Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

ĐẤNG THẤU SUỐT MỌI BÍ ẨN

THỨ TƯ TUẦN THỨ XI - THƯỜNG NIÊN
THÁNH LUY GONZAGA, TU SĨ 
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 6, 1-6;16-18
LỜI CHÚA : Mt 6, 1
"Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng."
SUY NIỆM :
Chúa Giêsu dùng ba yếu tố chính của lòng đạo đức Do thái giáo khuyến cáo các môn đệ thận trọng khi thi hành. Không phủ bác các việc lành phúc đức này, Ngài chỉ tố cáo cách thực thi đầy phô trương mang tính giả hình mà thôi.
Các hành vi cụ thể của “đức công chính” phải được xem xét với ý nghĩa sâu xa hơn. Vấn đề chính yếu ở đây là người ta muốn ai chứng nhận đặc tính công chính của mình ? Loài người phàm trần ư ? Nếu quả vậy, hẳn họ đã hài lòng vì được người đời khen ngợi rồi ! Nhưng như thế “đức công chính” đã bị hiểu lệch lạc, bởi lẽ trong ngày chung thẩm, “đức công chính” chỉ là chuyện giữa ta với Thiên Chúa mà thôi.
Người môn đệ đích thực lại kín đáo trông cậy vào Thiên Chúa với lòng con thảo, Ngài là Đấng duy nhất đánh giá được hành vì của mình. Điệp khúc: “Cha ngươi là Đấng thấu suốt kín đáo” (câu 2,6,18), nhấn mạnh đến mối quan hệ thân thiết và kín đáo này, sẽ thưởng công cho anh.
 Sự công chính theo Tin mừng mang chiều kích khiêm nhường, kín đáo và quên mình để gắn kết theo ý Chúa, làm sáng danh Chúa. Mọi hành vi đạo đức nhằm phần thưởng nhân loại trần thế, thì mất phần thưởng vĩnh cữu thần linh (1).
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho chúng con làm mọi việc lành trên đời này chỉ vì danh Chúa thôi . Amen.

Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

ĐẤNG HOÀN THIỆN

THỨ BA TUẦN THỨ XI – THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 5, 43-48
LỜI CHÚA : Mt 5, 48
“Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”
SUY NIỆM :
Điều răn thứ năm: “chớ giết người” được nhấn mạnh một lần nữa qua hình thái mới. Chúa Giêsu trích dẫn lề luật cổ xưa dạy rằng: “Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù.” (43). Thật ra dòng chữ này không tìm thấy trong Cựu Ước. Tuy nhiên nó nằm cố hữu trong tâm thức con người của mọi thời đại, cần phải loại trừ.
Mệnh lệnh đưa ra: “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (44), lý do: như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha (45). Rồi Chúa Giêsu mô tả tình yêu của Chúa Cha không giới hạn và không phân biệt: “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (45).
Hai ví dụ: yêu kẻ yêu thương mình và chào hỏi người thân mình, ai ai cũng làm được (46-47). Cứ như thế thì chẳng mấy tốt đẹp. Chúa Giêsu muốn thay đổi toàn bộ lối sống chung của con người. Sự đổi mới xây dựng từ kinh nghiệm tình yêu mà Người có nơi Chúa Cha, Đấng nhân từ, Đấng chấp nhận tất cả mọi người !
Tình yêu đích thực là mong muốn mọi điều tốt lành cho kẻ khác bất luận họ đã làm gì cho mình, chứ không phụ thuộc vào những gì ta đã nhận từ họ. Tình yêu ấy đem lại sự trọn hảo. Chúa Giêsu đề nghị lối sống bằng, và sống trong tinh yêu, sẽ là con cái đích thực của Chúa Cha (45), và cũng sẽ nên hoàn thiện như Chúa Cha (48).
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin giúp chúng con yêu thương kẻ thù như Chúa yêu, Amen.

ĐỪNG CHỐNG CỰ NGƯỜI ÁC

THỨ HAI TUẦN THỨ XI - THƯỜNG NIÊN
Thánh GIULIANA PALCONIERI, TRINH NỮ, Thánh RÔMUAIĐÔ, VIỆN PHỤ 
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 5, 38-42
LỜI CHÚA : Mt 5, 39
“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.”
SUY NIỆM :
Dự kiến có thể có sự nghi hoặc ở các môn đệ, Chúa Giêsu đề cập đến sự xung đột công khai và đến nạn nhân sau rốt của những kẻ ác nhân này bằng cách thay đổi, hướng tới tình yêu thương.
Đúng ra, luật đáp trả (Xh 21,24) muốn giới hạn sự báo oán, và đánh giá đền bù đúng mức khi bị xúc phạm (38). Người ta còn gán nguyên tắc này đến sự dàn xếp tài chính. Chúa Giêsu đưa ra một giải pháp triệt để: đừng chống cự người ác (39).
Chúa Giêsu nhắn gởi cho những ai đã chọn sống “Tám Mối Phúc” phải nhìn nhận rằng cú đáp lễ “đúng mức” không thể giải quyết ổn thỏa mọi sự. Trái lại, đó là khởi điểm cho một chuỗi bạo động dây chuyền sẽ kéo theo sau này. Oán báo oán thì oán chồng chất; đức báo oán thì oán tiêu tan.
Ba ví dụ liên tiếp: bị vả má (39); kiện lấy áo trong (40); bắt đi một dặm (41)…Câu 39 là cốt lõi: chắc chắn Chúa Giêsu không chìa má kia cho kẻ hành hung đâu, nhưng muốn nhịn lòng trước cử chỉ khiêu khích hầu giải trừ bạo lực. Tha thứ, nhẫn nhục và quảng đại là ba đức tính hóa giải cho ba ví dụ trên.
Điều cuối cùng (42), Chúa Giêsu kêu gọi đối xử, cách đặc biệt với những người ác này, rằng đừng từ chối những ai cần đến mình.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, chúng con còn xa vời so với tình yêu Chúa dạy. Xin biến chúng con mỗi ngày nên giống Chúa nhiều hơn, Amen.

Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

CHÚA NHẬT THỨ XI – THƯỜNG NIÊN – NĂM A
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH GIOAN 6, 51-58
LỜI CHÚA : Ga 6, 58
" Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời."
SUY NIỆM :
Thánh Thể : Mình và Máu Chúa Giêsu, thông ban cho các tín hữu hai ân huệ : được sống đời đời ngay bây giờ (51) và được ở lại trong Ngài (56).
Trong bối cảnh lịch sử của Chúa Giêsu lúc đó, rõ ràng diễn từ về bánh trường sinh này không thể trực tiếp chỉ Thánh Thể. Không thể hiểu được trước khi có bữa ăn cùng, sự chết và sống lại. Như vậy, theo mặc khải là tiêu biểu con người của Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, Tin mừng được viết sau Phục Sinh, với những lời lẽ ghi nhận cụ thể từ việc cử hành Thánh Thể, thì rõ ràng diễn từ gợi lên cùng một lúc: Đức tin và Thánh Thể. Sự sống mà Chúa Giêsu ân ban ngay lập tức và là lời hứa khi được sống lại : sự sống đời đời nhờ đức tin vào Chúa Giêsu (53-54).
Đối với các Kitô hữu sau thời Chúa Giêsu tại thế, Thánh Thể cho phép sự gặp gỡ: “ở lại trong Người” (56). Với tư cách là Con Thiên Chúa được Chúa Cha sai đến, Chúa Giêsu mời gọi hiệp thông vào sự sống với Ngài. Nếu tin vào Ngài, sẽ ở lại và được đi vào trong sự sống với Ngài trong vĩnh cửu.
Mình Máu Thánh là sự hiến dâng tình yêu, sự cho đi tận cùng của Thiên Chúa qua Người Con Yêu Dấu. Sự hiến thân mầu nhiệm này còn được gọi bi tích Tình Yêu.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin chúng con siêng năng chạy đến Mình Máu Thánh Chúa để được nâng đỡ ủi an trên đường lữ thứ này. và hướng tâm hồn về Thiên quốc mai sau, Amen.

Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

SỐNG CHÂN THẬT

THỨ BẢY TUẦN THỨ X – THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 5, 33-37
LỜI CHÚA : Mt 5, 37
“Nhưng hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.
SUY NIỆM :
Chúa Giêsu đề ra sự trỗi vượt : sống chân thật để kiện toàn điều răn thứ hai và thứ tám.
Lời thề nhằm mục đích bày tỏ lòng trung thành, bảo đảm tính trung thực bất biến, không thay đổi của một đính ước tự nguyện về mặt đạo đức. Đôi khi những hành động mang tính pháp lý, người ta muốn được Thiên Chúa chứng thực rằng họ vô tội, hoặc có quyết tâm đền bù, sửa chữa.
Tuy nhiên, mọi người sống trong xã hội lúc này lúc khác, và vì con người cũng hay nghi hoặc lòng thành thật của kẻ nhau. Xã hội Do thái khá dè dặt về chuyện này (33); còn Chúa Giêsu triệt để hơn : chớ phán xét (7,1).
Những lời quãng diễn (34b-36) chứng thực rằng, người ta thường lấy trời, đất, đền thờ, để chứng nhận lời thề. Tuy nhiên chúng thường bị những kẻ tòa án làm lệch lạc đi. Nếu ngươi lấy cái đầu mà thề sai trái với Thiên Chúa, ngay cả sợi tóc trên đầu của mình còn không điều khiển được thì làm sao đền bù được.
Dứt khoát “có” hoặc “không”, đó là chính là điều cốt lõi của lời thề hầu củng cố cho các mối quan hệ chân thật. Đức tính đơn sơ này tạo nên một sự hài hòa giữa các môn đệ, nếu họ biết phó thác nơi Thiên Chúa; còn lời nói đúng sai, Thiên Chúa phân định.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn sống chân thật theo bản tính của Ngài, Amen.

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

NGOẠI TÌNH VÀ LY DỊ

THỨ SÁU TUẦN THỨ X – THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 5, 27-32
LỜI CHÚA : Mt 5, 28
“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.”
SUY NIỆM :
Chủ đề thứ hai Chúa Giêsu kiện toàn là cấm ngoại tình và không được ly dị thuộc điều răn thứ sáu và thứ chín.
Chúa Giêsu đem lại nền luân lý một giá trị mới cao cả hơn. Tội ngoại tình, đối với Ngài, không phải đợi xảy ra hành vi, hay có khi bị phát hiện mới thành tội, nhưng đã phạm ngay từ khi còn trong ý tường : thèm muốn, ý định (27-28).
Điều làm ô bẩn con người không phải thân xác mà chính tinh thần, mặc dù thân xác là cớ gây nên vấp phạm. Kiểu nói ”mắt"và”tay", (”mắt" tượng trưng cho ý hướng của con tim, nó dẫn đưa khát vọng hướng về đối tượng; còn ”tay ” (dùng để cầm) gợi lên hành động), nhấn mạnh: ý chí phải cương quyết, không chiều theo ý muốn tội lỗi (29-30).
Cấm ly dị (31). Đây là một thay đổi lớn của Chúa Giêsu. Xã hội tôn giáo Do thái lúc bấy giờ cho phép ly dị (Đnl 24,1). Thực ra, sự mới mẻ này chỉ lấy lại ý định ban đầu của Thiên Chúa được diễn tả trong Sáng thế ký (St 1,26). Trừ trường hợp ngoại lệ đặc biệt,”hôn nhân bất hợp pháp", có lẽ chỉ là trường hợp của những người không kết hôn thôi !
“Thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục.” đó là cái giá phải trả. Một cách khác, diễn tả diễm phúc cho kẻ nào có lòng sạch (3,8).
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin giúp chúng con loại bỏ tính xấu, và luôn giữ lòng trong sạch, Amen.

Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

ĐI LÀM HÒA

THỨ NĂM TUẦN THỨ X – THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 5, 20-26
LỜI CHÚA : 5, 23-24
“Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh,24thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.”
SUY NIỆM :
Một hình thái điển hình kiện toàn lề luật, ở đây về đức công chính, được minh diễn qua điều răn thứ Năm : chớ giết người (20-21).
Ý thức tôn giáo dân Do thái bấy giờ: “nên công chính trước mặt Chúa, bằng cách tuân giữ tất cả lề luật”. Giáo huấn này trở nên gánh nặng, câu nệ luật, vụ hình thức. Vả lại, thực thể việc giải thích lề luật cũng không vươn đến sự công chính cao cả của Thiên Chúa.
Quảng diễn sự kết án tội sát nhát bởi lề luật (21), Chúa Giêsu phê phán và kết án các căn nguyên gây ra nó : giận, mắng, chửi (22). Những hành vi, lời lẽ này đã gây ra sự sát nhân về mặt tình thần, nghịch với mối phúc thứ hai: Phúc thay cho kẻ hiền lành rồi (3,4).
Ngần ấy thôi chưa đủ. Tình yêu đòi hỏi sự tha thứ. Đó là cách tận diệt cội rễ hành động sát nhân. Và cách thờ phượng hoàn hảo mà Thiên Chúa muốn: đi làm hòa với nhau trước, rồi hẳn đến dâng lễ vật, hay nói một cách khác lễ vật đẹp lòng Chúa nhất là lễ vật tình yêu (23-24).
Tính cấp bách và sự khẩn thiết của việc làm hòa đòi buộc thì hành ngay tức thì, nhược bằng khi giờ chết đến không trở tay kịp, phải đền tội cân xứng với những gì mình còn mang giữ trong lòng (26).
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin dạy chúng con học và thực hành sự hiền lành và khiêm nhượng, nên giống như rất thánh trái tim Chúa, Amen,

Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

KHÔNG BÃI BỎ, NHƯNG KIỆN TOÀN

THỨ TƯ TUẦN THỨ X – THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 5, 17-19 
LỜI CHÚA : Mt 5, 17
"Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn".
SUY NIỆM :
Chúa Giêsu xác nhận sứ vụ và quyền hành của Ngài là kiện toàn lề luật Môsê và lời các tiên tri nên trọn vẹn ý Thiên Chúa (17).
“Mọi sự” trong câu (18): “cho đến khi mọi sự được hoàn thành”, chắc chắn là đại từ thay thế cho lề luật. Từ nay cho đến ngày phán xét, Lề luật luôn có giá trị và đòi buộc phải thi hành. Đó là sự tuân thủ triệt để.
Nghĩa là mọi điều Chúa Giêsu nói chắc chắn phải xảy đến và tồn tại muôn đời. Luật Chúa vững chắc hơn cả trời đất. Từ “qua đi” có nghĩa biến mất. Thế hệ này sẽ biến mất, vũ trụ này cũng vậy, Tuy nhiên lời Chúa Giêsu không biến mất mà lại được xác nhận trong tương lai.
Câu 19, là phần thưởng Nước Trời cho những ai tuân giữ lời Chúa và dạy người khác thi hành. Ngược lại, những ai bãi bỏ, hoặc tệ hại hơn đặt ra, và giữ luật loài người hơn mà xem thường luật Chúa, thì sẽ không được hưởng phúc .
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin đừng để chúng con câu nệ luật mà nhẫn tâm với những người họ đang cần tình thương của chúng con, Amen.

Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

SỨ MẠNG CỦA CÁC MÔN ĐỆ

THỨ BA TUẦN THỨ X – THƯỜNG NIÊN
THÁNH ANTÔN PAĐÔVA, LINH MỤC, TIẾN SĨ HỘI THÁNH
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 5, 13-16
LỜI CHÚA : Mt 5, 14
"Chính anh em là ánh sáng cho trần gian".
SUY NIỆM :
Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc thật, do điều phúc thứ tám (10-12) vì môn đệ sống công chính nên gặp phải nhiều đau khổ và có khi phải hy sinh mạng sống. Chúa Giêsu khuyến khích họ sống đúng căn tính Kitô của mình qua hai hình ảnh minh họa: muối và ánh sáng.
Muối : có hai công dụng. Một, thêm hương vị nghĩa là thêm sức sống ơn Chúa. Hai, bảo quản thức ăn khỏi hư thối, tức bảo vệ chân lý hằng sống. Trong Cựu Ước “giao ước muối” (2 Sb 13,5) biểu thị sự trường tồn của giao ước, sự trung thành với Thiên Chúa.
Như thế, các môn đệ ướp mặn cho đời, và đoan chắc với đời rằng họ sẽ sống trước mặt Thiên Chúa, nhưng nếu họ không cán đán được nhiệm vụ, đánh mất tinh thần tám mối phúc thật, bấy giờ họ chẳng còn chút giá trị và Thiên Chúa sẽ loại bỏ đi (13).
Ánh sáng : hình ảnh này phản chiếu sách tiên tri Isaia, đề cập vai trò của Giêrusalem, thành đô ánh sáng, được xây dựng trên núi để soi dẫn cho mọi dân tộc biết đường hướng về Thiên Chúa (Is 60).
Việc tỏa sáng để lôi cuốn phải coi là bổn phận (16), được cụ thể bằng đèn sáng đặt trên giá (15). Cho thấy rõ bản chất của ánh sáng ấy là “những việc tốt đẹp các anh em làm, chính xác là việc thiện.
Hoàn toàn không có chuyện phô trương đức hạnh ở đây, nhưng chính nhờ việc thiện đã làm mà mọi người khám phá và trở lại với Nước Trời để Thiên Chúa được tôn vinh (16).
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho chúng con yêu mến và siêng năng làm việc thiện để mọi người nhận ra Thiên Chúa là Đấng Thánh Thiện vô cùng, Amen.

Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2017

PHÚC THAY AI…

THỨ HAI TUẦN THỨ X – THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU THEO THÁNH MATTHÊU 5, 1-12
LỜI CHÚA : Mt 5, 3
"Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ." 
SUY NIỆM :
Bài giảng trên núi của Chúa Giêsu nói về con đường dẫn đến hạnh phúc thật của Ngài, thường gọi: Bát Mối Phúc Thật. Ngài chỉ ra nguồn hạnh phúc từ thái độ của đời sống tinh thần, đời sống tâm linh, không có ý nhắm đời sống con người về mặt xã hội học.
Nghèo khó (3) nghĩa là khiêm nhượng, trái ngược kiêu ngạo. Hiền lành (4) là tự xóa nhòa mình đi, Chúa Giêsu sau này ghép “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng (11,29). Sầu khổ (5) gặp phải thử thách hay vì vấp phạm tội lỗi khóc lóc ân năn. Khao khát nên công chính (6) là biết khao khát sự toàn thắng của Thiên Chúa chính trực sẽ đến với mình và với thế gian.
Bốn phúc này rất gần gũi với nhau, chúng ca ngợi niềm hạnh phúc của những kẻ biết rộng mở tâm hồn với Thiên Chúa. Còn bốn phúc sau: Xót thương (7); trong sạch (8); xây dựng hòa bình (9); sống công chính (10); hướng về thái độ sống.
Đây là các mối phúc, cũng là lời chúc phúc. “Phúc thay” được tuyên bố đối với những ai sống và thi hành, vế còn lại chắc chắn Thiên Chúa sẽ dành cho họ. Niềm hạnh phúc này không do con người tạo, nhưng phát xuất từ Thiên Chúa ban.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ngọn lửa yêu mến, và thực hành các giới răn Chúa dạy, để đạt được hạnh phúc đời này và đời sau, Amen.

Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2017

LỄ CHÚA BA NGÔI

CHÚA NHẬT THỨ X – THƯỜNG NIÊN – NĂM A
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH GIOAN 3, 16-18
LỜI CHÚA : Ga 3, 16
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 
SUY NIỆM
Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài và ban cho họ được hưởng hạnh phúc như Chúa. Con người bất tuân đã đánh mất hạnh phúc ấy, nhưng Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi con người. Ngài sai chính Con Một là Chúa Giêsu xuống thế cứu độ (16).
Sau khi về trời, Chúa Giêsu sai Chúa Thánh Thần tiếp tục công việc của Ngài để thánh hóa thế gian. Nhờ Chúa Thánh Linh mà tình yêu của Thiên Chúa ban xuống cho con người đến ngày tận thế.
Trong việc gởi Con vào thế gian, Chúa Thánh Thần hiệp nhất tình yêu trong quan hệ Cha và Con. Tình yêu là mối liên hệ hợp nhất Ba Ngôi Vị. Chúa Giêsu mạc khải cho Nicôđêmô hiểu biết chút ít về đời sống nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Nếu tình yêu của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu là vô điều kiện, thì nó mời gọi lời đáp trả của con người. Sự hiện diện của Chúa Giêsu đòi buộc mỗi người lựa chọn, chính ngay bây giờ mà việc xét xử được thực hiện: hoặc ơn cứu độ hoặc án phạt (17-18).
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa Ba Ngôi, xin cho mỗi chúng con là ngọn lửa tình yêu sưởi ấm tâm hồn nguội lạnh và vô tâm của thế gian, Amen.

Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

TẤM LÒNG

THỨ BẢY TUẦN THỨ IX – THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MARCÔ 12, 38-44
LỜI CHÚA : Mc 12, 44
"Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình."
SUY NIỆM :
Giáo huấn của Chúa Giêsu diễn tả khung cảnh trong đền thờ của hai giới tương phản: kinh sư và bà góa; phơi bày tấm lòng thành, và tình yêu chân thật của họ đối với Thiên Chúa.
Đối với các kinh sư, những người có uy tín trong dân Do thái, muốn bày tỏ cái tôi của mình hơn, nhạt tình với Thiên Chúa, ngược đãi với người nghèo. Chiếc áo, chiếc ghế, lời bái chào, cầu nguyện lâu giờ, là hình thức giả tạo, hào nhoáng nhằm che đậy tội lỗi nuốt hết tài sản của bà góa (38-40).
Bà góa nghèo, hai đồng tiền kẻm là tài sản, là sự cần của nguồn sống, là cả sự sống của bản thân. Các môn đệ phải học nơi bà góa bần cùng này lòng quảng đại, tâm hồn độ lượng và tin tưởng Thiên Chúa, hình ảnh người môn đệ chân thực (41-44).
Cần lưu ý sự thể đặc biệt này, khi cảnh tỉnh môn đệ coi chừng các kinh sư (38), trong Tin mừng, Chúa Giêsu thường làm nổi bật đức tính của giới phụ nữ cho các môn đệ thấy mà xã hội đương thời lúc bấy giờ không mấy xem trọng họ.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin giúp chúng con yêu Chúa thật lòng, và qua sự chia sẻ của cải cho người anh em cũng vì danh Chúa, Amen.

Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017

ĐỨC KITÔ LÀ THIÊN CHÚA

THỨ SÁU TUẦN THỨ IX - THƯỜNG NIÊN
THÁNH EPHREM PHÓ TẾ, TIẾN SĨ HỘI THÁNH 
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MARCÔ 12, 35-37
LỜI CHÚA : Mc 12, 37
“Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì Đấng Kitô lại là con vua ấy thế nào được?". Đám người đông đảo nghe Đức Giê-su cách thích thú.”
SUY NIỆM :
Vấn đề tranh luận đã kết thúc (12,34). Marcô mờ đầu bằng câu:”Khi giảng dạy trong Đền Thờ”, tuy nhiên tác giả thấy còn một vấn đề ngộ nhận cần phải giải quyết rốt ráo, lúc này Chúa Giêsu nêu ra: "Sao các kinh sư lại nói Đấng Ki-tô là con vua Đa-vít?".
Một truyền thống xa xưa trong dân Do thái đưa vào Kinh Thánh cho rằng Đấng Mêsia thuộc dòng dõi vua Đavit (2V 7,14-17). Người ta cũng thường gọi Chúa Giêsu là “con vua Đavit” như người mù Giêricô (10,48-49); đám đông dân chúng ở Giêrusalem (11,10).
Chắc chắn Chúa Giêsu không tự xưng mình tước hiệu này. Sự mong chờ con vua Davit đến như vậy, có nguy cơ dẫn tới khuynh hướng chính trong dân. Chúa Giêsu hoàn toàn tránh xa quan niệm về Đấng Mêsia kiểu như thế.
Chúa Giêsu trích dẫn một câu Thánh vịnh 110: “Chính vua Đa-vít được Thánh Thần soi sáng đã nói: Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con” (37). Rồi Ngài giải thích: "Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì Đấng Ki-tô lại là con vua ấy thế nào được?" (37).
Sau biến cố Phục Sinh, các Ki-tô hữu đã dùng Thánh Vịnh 110 để tìm ra tước hiệu cao cả hơn cho tính cách của Chúa Giêsu. Họ tuyên xưng Ngài thuộc Thần Thánh, Ngài đã sống lại và được Thiên Chúa phong làm Chúa tể vũ trụ, Ngài lên Trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.
Đức Ki-tô cũng là Thiên Chúa thật và cũng là người thật. Đó là đức tin Ki-tô giáo. Sai lầm nếu nhấn mạnh đến Thiên tính mà bỏ quên nhân tính, hoặc ngược lại.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin Ngài là Thiên Chúa, Amen.

Thứ Tư, 7 tháng 6, 2017

ÔNG KHÔNG CÒN XA NƯỚC THIÊN CHÚA ĐÂU

THỨ NĂM TUẦN THỨ IX – THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MARCÔ 12, 28-34
LỜI CHÚA : 12, 30-31
30 "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. 31 Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình"
SUY NIỆM :
Tiếp theo cuộc tranh luận về sự sống lại vừa mới xảy ra, đoạn Tin mừng này là một kinh sư đến gần với Chúa Giêsu, Marcô cho biết thiện cảm của Chúa và ông quý mến nhau ngay từ đầu. Ông hỏi: "Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?" (28).
Một kinh sư mà đặt câu hỏi như vậy kể cũng lạ, vì họ giới chuyên môn. Tuy nhiên giới thẩm quyền khi đó liệt kê tới 630 giới luật của Cựu Ước. Cả một cánh rừng mịt mù đối với dân Do thái. Họ thường tranh luận với nhau như vậy, chắc cũng chưa đi đến ngã ngũ thuyết phục.
Chúa Giêsu đọc những lời đầu tiên kinh nguyện của Do thái giáo: Hỡi Israel, hãy lắng nghe (Dnl 6,4-5). Đó là lời tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất. Không dừng lại ở đây, nhưng Chúa Giêsu liên kết giới răn thứ nhất với giới răn thứ hai (31a) là phải yêu mến anh em (Lv19,18) thành một (29-31).
Vị kinh sự tỏ vẻ thán phục (32-33), ông nhấn mạnh hơn khía cạnh tuyệt đối của Thiên Chúa: “Ngoài Người ra không có Đấng nào khác” (Dt 4,35). Rồi thêm ở vế thứ hai: “yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ". Điều này phù hợp với ý tưởng của các tiên tri: “Ta muốn tình yêu chứ không phải lễ vật hy tế” (Hs 6,6).
Nghe vậy Chúa Giêsu bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu! " (34). Thật là khoảnh khắc hạnh phúc ! Có thể đoan chắc rằng ngay trong giới kinh sư căm ghét Chúa Giêsu ban đầu (2,6), vẫn còn có những kẻ đi tìm nguồn sáng, và cả giới biệt phái cũng vậy (Ga 3,1-8).
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, yêu thương là giới quá khó. Xin giúp chúng con luôn học và thự hành tình yêu quảng đại như Chúa, Amen.

Thứ Ba, 6 tháng 6, 2017

NIỀM TIN SỐNG LẠI

THỨ TƯ TUẦN THỨ IX – THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MARCÔ 12, 18-27
LỜI CHÚA : Mc 12, 27
" Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to! "
SUY NIỆM :
Hôm nay thêm cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với nhóm Sađốc, họ không tin có sự sống lại (18). Nhóm này đại diện giới tư tế thư lại. Họ chỉ tuân theo năm sách đầu tiên của Kinh Thánh (Ngũ Kinh), phi bác mọi giáo thuyết của các tiên tri và bậc thức giả giảng dạy, lúc này là Chúa Giêsu.
Vì mục đích nối dòng dõi tông đường (Đnl 25,5-10), cho phép người em lấy vợ của anh mình, nếu anh chết mà không con. Luật này cũng có trong một số dân tộc, nhằm duy trì nòi giống tránh họa diệt vong, và nó cũng còn bảo đảm việc thừa hưởng tài sản kế thừa.
Một luận chứng đặt ra (19-23): trong một gia đình có bảy người con trai, anh cả lấy vợ rồi chết không con, và lần lượt bảy anh em cũng như vậy. Cuối cùng là vợ của ai khi sống lại. Thực ra trường hợp này không có trên thực tế, nhưng nó diễn tả một lý luận tuyệt đối.
Thoáng qua luận điệu thật hùng hồn, khá hay! Theo ý niệm loài người, xem ra giáo thuyết sống lại rơi vào ngỏ bí; còn Chúa Giêsu cho rằng họ lầm, vì không biết Kinh Thành và cũng không biết quyền năng của Thiên Chúa (24).
Một, Niềm tin kẻ chết sống lại xuất hiện khoảng thế II trước Chúa Giêsu. Nếu họ đọc biết toàn bộ Kinh Thánh, các tiên tri và các bậc hiền nhân cũng như luật Môsê, hẳn họ thấy cha ông họ đã tin.
Hai, cho rằng sự sống lại đơn thuần là tái hiện đời sống dương thế, như vậy là coi nhẹ “Quyền Năng Thiên Chúa”. Thật ra lý trí không thể hiểu vấn đề sự sống lại, và càng không thể hiểu quyền năng Thiên Chúa, ngay cả Chúa Giêsu nói “giống như thiên thần”. Nôm na điều đó cho ta hiểu thân xác và phái tính không còn có ở nơi đây, trên bình diện của sự sống lại.
Ba, Chúa Giêsu dùng lại sách Môsê để nói với nhóm Sađốc về Thiên Chúa không phải của kẻ chết mà là của kẻ sống (Xh 3,1-6). Lòng tin sự sống lại không tìm thấy bằng chứng trong Kinh Thánh. Nó vượt quá trí năng của con người, nó đòi hỏi trực tiếp sự tin tưởng tuyệt đối vào Đấng Tạo Hóa đầy quyền năng.
Một lần nữa Chúa Giêsu kết luận: " Các ông lầm to! ".
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết giá trị cuộc sống hiện tại mà hướng đến cuộc sống mai sau là được ở trong nhà Chúa, Amen.

Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

HÌNH VÀ DANH HIỆU NÀY LÀ CỦA AI ?

THỨ BA TUẦN THỨ IX – THƯỜNG NIÊN
THÁNH NORBERTÔ, GIÁM MỤC 
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MARCÔ 12, 13-17
LỜI CHÚA : Mc 12, 17
“Đức Giê-su bảo họ: "Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa."
SUY NIỆM :
Một cuộc tranh luận khác xảy ra giữa Chúa Giêsu và các lãnh đạo Do thái, ở đây nhóm Pharisêu và phe Hêrôđê liên kết lại. Marcô cho biết ngay để bẫy Ngài (13).
Mặc dù là mánh khóe, nhẹ nhàng nhưng thâm độc, được núp dưới lời tâng bốc tinh vi, cũng nói lên cho mọi người biết phẩm cách trung thực của Chúa Giêsu: Thầy là người chân thật; nói theo sự thật và dạy đường lối của Thiên Chúa (14a). Rồi dẫn đưa Ngài đến nút thắt vấn đề : nộp thuế (14b).
Câu hỏi có không, dẫn Chúa Giêsu đến kết cục hoàn toàn bất lợi. Nếu trả lời có, Ngài ủng hộ ngoại bang, quay lưng với nhân dân, phản bội dân tộc; còn nếu trả lời không, Chúa Giêsu âm mưu xúi giục dân chúng phản loạn, một luận điệu tố cáo Ngài trước dinh Philatô sau này (14,53-64).
Chúa Giêsu hiểu dã tâm của họ; cảnh tỉnh lương tâm họ; không trả lời thẳng vấn đề mà Ngài quyết định đưa ra kiểm chứng cụ thể và hiển nhiên, bảo họ đưa cho Ngài một đông tiền có in hình (15).
Câu trả lời thời danh: "Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa." (17). Chúa Giêsu phân định hai lãnh vực: trần thế và tâm linh. Ở đây Chúa Giêsu không đơn thuần là thoát bẫy mà Ngài còn bắt kẻ chất vấn trở lại vấn đề của họ, về đời sống đối với trần thế và đối với Thiên Chúa.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho chúng con chu toàn bổn phận với Chúa và với quê hương tốt đẹp, Amen.

Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

TÁ ĐIỀN SÁT NHÂN

THỨ HAI TUẦN THỨ IX - THƯỜNG NIÊN - NĂM A
THÁNH BÔNIFATIÔ, GIÁM MỤC, TỬ ĐẠO. 
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MARCÔ 12, 1-12
LỜI CHÚA : 12, 9
“Vậy ông chủ vườn nho sẽ làm gì? Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác.”
SUY NIỆM :
Tin mừng là dụ ngôn mang tính tỷ dụ: kể chuyện này nhắm đến chuyện khác. Nó được lồng vào cuộc những tranh luận gay gắt giữa Chúa Giêsu và giới lãnh đạo Do thái trước đó (11,27-33).
Cây nho là biểu tượng cho dân được tuyển chọn (5,1-7). Thiên Chúa chăm chú trồng nó: rào giậu, đóng máy ép và xây tháp canh giữ (1). Song tiến trình Thiên Chúa không mong đợi đã xảy ra: Ngài chờ thu hoạch nho tốt, nhưng Ngài chỉ được toàn nho xấu (4).
Chúa Giêsu không nhắm đến dân chúng mà nhắm đến những kẻ điều hành : các tá điền vườn nho (2). Thiên Chúa giao vườn nho cho họ rồi tránh đi xa. Ông chủ vườn nho trong câu chuyện đã ba lần phái người đến thu hoa lợi, lần nào các tá điền cũng dành cho họ một kết cục bi thảm.
Các đầy tớ của ông chủ chinh là các tiên tri. Thiên Chúa sai họ đến để thu hoạch hoa quả của giao ước : đức tin và lòng trung thành. Nhưng rồi tất cả họ đều bị ngược đãi (3-5).
Cuối cùng ông chủ sai con một yêu quý của mình đến với họ (6). Rõ ràng ám chỉ đến Chúa Giêsu, “Người con chí ái” tước hiệu được Chúa Cha ban trong biến cố chịu phép rửa (1,11), và khi biến hình (9,7), nhưng kết cục càng thảm hơn (8), như lời loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài.
Vấn đề đặt ra là ông chủ sẽ làm gì. Ông chủ trừng phạt các tá điền, thu hồi vườn nho và trao người khác (9) trông coi. Người khác chính xác ở đây là ai ? Chúa Giêsu không nói ra, nhưng khi viết những lời này, Marcô nghĩ đến đám đông dân ngoại gia nhập Hội thánh. Dân mới do Chúa Giêsu thành lập.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho chúng con nhiệt thành làm sinh hoa lợi vườn nho của Chúa, Amen.

Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

KHAI MẠC SỨ VỤ CỦA CÁC TÔNG ĐỒ.

CHÚA NHẬT- CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG – MÙA PHỤC SINH
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH GIOAN 20, 19-23
LỜI CHÚA : Ga 20, 22-23
"Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."
SUY NIỆM :
Trình thuật kể lại việc Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, Nhóm Mười Một. Các cửa đều đóng kín, lý do nêu ra là sợ người Do thái. Ở đây còn cho thấy sự xuất hiện lạ thường của Chúa Giêsu (19). Không thấy nói Chúa vào bằng cách nào, đơn giản Ngài hiện diện cách khác loài người.
Các môn đệ nhận biết Đấng Phục Sinh chính là Đấng bị đóng đinh và cạnh sườn bị đâm thâu. Hẳn sự hiện diện thể lý bình thường của Chúa Giêsu đã chấm dứt. Tuy nhiên con người đang đứng ở giữa họ là Chúa Giêsu, nghĩa là con người như Đấng họ đã biết, nhưng từ nay sự phục sinh đã làm biến đổi. Sự sợ hãi tiêu tan, các ông hân hoan vui mừng (20).
Đặc biệt lần hiện ra này Chúa Giêsu ban Thần Khí và trao cho họ sứ vụ. Trước tiên, các môn đệ được sai đi. Từ “Như” ở đây không chỉ sự so sánh, mà còn nói lên căn gốc và nền móng của sự phát xuất, để kéo dài hoạt động của Chúa Giêsu (21).
Thứ đến, Chúa Giêsu ban Thánh Thần trên các môn đệ. Như Thần Khí ngự xuống trên Chúa Giêsu (1,33-34) mà Thiên Chúa đã tôn vinh làm Chúa. Ngài là Đấng có kinh nghiệm về cái chết, tỏ mình ở đây như Đấng Chúa Tể sự sống, bây giờ họ mặc lấy sức mạnh của Thiên Chúa (22).
Cuối cùng, như Thiên Chúa, rồi Đấng được sai đến là Chúa Giêsu, các môn đệ có thể tha tội, nghĩa là thanh tẩy tội lỗi trong quyền năng và cái chết của Chúa Giêsu. Thần Khí kết buộc họ với Thiên Chúa chặt chẽ đến nỗi khi họ tha hay cầm giữ tội thì Thiên Chúa qua họ tha và cầm giữ.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin Thánh Thần Chúa đổi mới để chúng con sống xứng đáng đời chứng nhân, Amen.

Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

CHĂM LO PHẬN MÌNH

THỨ BẢY TUẦN THỨ VII - PHỤC SINH 
THÁNH CARRÔLÔ LWANGA và CÁC BẠN, TỬ ĐẠO
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH GIOAN 21, 20-25
LỜI CHÚA : Ga 21, 22
" Đức Giê-su đáp: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy."
SUY NIỆM :
Trước khi kết thúc Tin mừng, ông Gioan được liên kết ở đây với ông Phêrô kèm theo ba chi tiết: môn đệ Đức Giê-su thương mến; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su trong bữa ăn tối và hỏi: "Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?" (20).
Sau khi ý thức về sứ mệnh và thân phận mình, Phêrô hỏi Chúa Giêsu còn Gioan thì sao (21). Chắc chắn sứ mệnh của Gioan cũng đi theo Thầy, còn về thân phận Thầy muốn ông ở lại thì việc ấy không liên quan gi đến Phêrô (22). Chúa Giêsu muốn ông Phêrô hãy lo chu toàn sứ vụ loan báo Tin mừng.
Ta có thể nghĩ rằng những lời sau cùng này (23-25) được thêm vào khi ông Phêrô và ông Gioan đã khuất núi, như cả cộng đoàn của Gioan chứng thực về Tin mừng, để tuyên bố rằng người môn đệ Chúa Giêsu thương mến là người chịu trách nhiệm về Tin mừng.
Cái chết của những môn đệ Chúa Giêsu thương mến dường như đã làm xao xuyến cộng đoàn Gioan, điều đó nói lên vị trí mà Gioan nắm giữ trong Giáo hội đó, và mối quan hệ đặc biệt của ông với Chúa Kitô, như là người bạn đồng hành đầu tiên ngay từ lúc đầu.
Cuốn sách không bao giờ nói lên điều trọn vẹn (25), không giờ hoàn chỉnh, còn là vấn đề đọc. Tin mừng còn đó, mở rộng; chính độc giả là người kế tục, là người mà Chúa Giêsu đã trao thần khí để họ có thể tiến vào chân lý, sự thật.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho chúng con chuyên tâm học hỏi lời Chúa, Amen.

Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

NGƯỜI MÔN ĐỆ TÌNH YÊU

THỨ SÁU TUẦN THỨ VII – PHỤC SINH
THÁNH MARCELLINÔ VÀ THÁNH PHÊRÔ TỬ ĐẠO
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH GIOAN 21, 15-19
LỜI CHÚA : 21, 19
"Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy theo Thầy."
SUY NIỆM :
Bối cảnh Tin mừng là lần hiện ra với các môn đệ đánh cá ở biển hồ Tibêria. Vào lúc tảng sáng, Đấng Phục Sinh đã chuẩn bị bữa ăn sẵn trên bờ có cá và bánh (21,9). Lúc này đã ăn xong (15), ông Phêrô là người đối thoại duy nhất với Chúa Giêsu.
Chúa Phục Sinh hỏi ông đến ba lần "anh có yêu mến Thầy không? ". Chúa trao quyền chăn dắt đoàn chiên cho Phêrô bằng lời tuyên thệ “tình yêu”. Đây là điều kiện phúc chuẩn và cần thiết để hoàn thành sứ mệnh như Ngài.
Chúa Giêsu trao: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy" (15). Vậy đây là quyền đại diện, nghĩa là phải trung thành với di chúc của Ngài. Cách gián tiếp, việc chăn dắt đoàn chiên thực hiện bằng tình yêu chứ không bằng thống trị.
Ba lần vặn hỏi có yêu mến Thầy không, chắc Chúa Giêsu không có ý nhắc lại ba lần đức tin Phêrô lung lay, mà vì Ngài đã nhìn thấy viễn ảnh cái chết của ông sau này (18). Chúa muốn loan báo rằng tình yêu của Phêrô sẽ khiến ông yêu nó đến chết, và sẽ chết vì tình yêu đó, để tôn vinh Thiên Chúa.
Tình yêu của Chúa Giêsu, sự chết và đi theo Ngài (19) là hành trình mời gọi Phêrô dấn thân, và cũng là cho tất cả tín hữu.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin giúp chúng con yêu Chúa và yêu người như Chúa yêu, Amen.