Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

LỜI CẦU XIN TUYỆT VỜI


THỨ SÁU TUẦN XII – THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 8, 1- 4.
LỜI CHÚA : Mt 8, 1
"Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch".
SUY NIỆM :
Thánh Matthêu thuật sau khi Chúa Giêsu xuống núi, dân chúng lũ lượt đi theo Ngài (1). Bỗng có một người cùi đến lạy Ngài xin chữa bệnh: "Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch" (2).
Thật tuyệt vời! Thông thường lời này được nói: “Lạy Ngài, xin chữa tôi được sạch”.
Mang một căn bệnh nan y thời bấy giờ, phần bị thân thể đau đớn, phần bị đối xử loại bỏ ra khỏi xã hội, chắc chắn anh cùi khát khao được lành bệnh lên đến tột đỉnh, anh tin tưởng chắc chắn Chúa Giêsu chữa lành mình, nhưng anh hiểu được tất cả những tâm tình đó là ý riêng của mình, không phải ý Chúa. Lời cầu xin của anh tôn trọng ý Chúa hoàn toàn: "Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể……”.
Đối với tục thức của người Do thái bấy giờ, coi cùi hủi là hình phạt Chúa gởi đến kẻ ô uế và phải loại trừ ra khỏi cộng đoàn (Lc13,45-46). Ở đây, Chúa Giêsu đã chữa anh lành bệnh (3). Và bảo anh phải tuân theo luật định, trình diện giới thẩm quyền để chứng nhận (4). Ngài bảo anh làm như vậy không phải để khoe khoang vì Ngài cấm anh không được nói ai (4), nhưng Ngài muốn chứng tỏ cho họ hành động sâu kín này là uy quyền của Thiên Chúa. Như thế, Chúa Giêsu quả là Đấng có đủ quyền lực thanh tẩy và mang lại cho những kẻ bị khai trừ trở về cuộc sống bình thường, cuộc sống cộng đoàn.
Lời cầu xin này tương tự như lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong vườn cây dầu: “Lạy Cha, Cha có thể làm được mọi sự, xin cho Con khỏi uống chén đắng này, nhưng đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14,36).
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho chúng con đặt trọn niềm tin tưởng vào Chúa, vì tình thương Chúa hằng bảo vệ và chăm sóc chúng con, Amen.

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

THI HÀNH Ý CHÚA CHA


THỨ NĂM TUẦN THỨ XII – THƯỞNG NIÊN

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 7, 21-29.
LỜI CHÚA : Mt 7, 21.
“Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không phải tất cả những ai nói với Thầy: "Lạy Chúa, Lạy Chúa", là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Thầy ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời”.
SUY NIỆM :
Bài giảng Tám mối phúc thật ở trên núi, Chúa Giêsu dạy những ai muốn làm môn đệ biết cần phải có những nhân đức và những điều kiện để vào Nước Trời. Giờ đây, Ngài khẳng định: “chỉ có người thực hiện ý Cha Thầy ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời” (21).
Lời cảnh tỉnh trên đây làm ta giật mình phản tỉnh, nhìn lại đời sống đạo xưa nay. Là những người đi theo Chúa kinh kệ tối ngày: Lạy Chúa, Lạy Chúa; nhân danh Chúa mà nói tiên tri; nhân danh Chúa mà trừ quỷ; và nhân danh Chúa làm nhiều phép lạ (22), vậy mà Chúa thẳng thừng tuyên bố: "Ta chẳng hề biết các ngươi, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta" (23).
Sống đạo với những hoạt động như trên là quá lý tưởng và gương mẫu, thế mà Chúa vẫn không công nhận. Vậy vấn đề hệ tại ở đâu? Chúa muốn điều gì? - Thưa: Làm theo ý Chúa.
Tin mừng không phải vốn liếng kiến thức; Chân lý không phải lý thuyết suông; Bái ái không chỉ trên môi miệng. Tất thảy đều phải sống và thi hành.
Hai ví dụ xây nhà trên đá và trên cát minh diễn cho thấy hậu quả của hai hạng người Kitô hữu khôn ngoan (24) và ngu đần (26) lãnh nhận trong ngày cuối cùng (27).
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin giúp chúng con thi hành Lời Chúa hằng ngày trong cuộc sống, Amen.

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2024

HOA TRÁI ĐỨC TIN


THỨ TƯ TUẦN THỨ XII – THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU, 7. 15-20
LỜI CHÚA : Mt 7, 20
“Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.”
SUY NIỆM :
Theo tự nhiên, đời sống đức tin hướng con người đến sự thánh thiện. Đó là điểm nổi bật trong Tin mừng hôm nay.
Mở đầu, Chúa Giêsu cảnh tỉnh các môn đệ: "Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi” (15). Làm thế nào phân biệt ngôn sứ thật giả?
Chúa Giêsu lặp lại hai lần: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai”. Hành vi, việc làm nói lên ý hướng tư tưởng bên trong. Thật giả hệ tại ở đây chứ không nằm nơi lời hoa mỹ hay hào nhoáng bên ngoài. Tục ngữ ta có câu: “Chiếc áo không làm nên thầy tu” là vậy.
Đức tin và cuộc sống là một. Bao lâu còn có sự khoảng cách hay tương phản là bấy lâu còn ở trong tình trạng giả hình, phản từ, phản chứng nhân. Ngôn sứ giả thì khẩu tâm bất nhất, thích vụ lợi: làm vinh danh mình hơn vinh danh Thiên Chúa, làm thay đổi bộ mặt trần thế nhưng đánh mất sự sống Nước Trời.
Chúa Giêsu hằng tỏ lòng tha thứ cho sự yếu đuối và vấp ngã của con người, nhưng Chúa không bao giờ chấp nhận thái độ giả hình của biệt phái mà Ngài gọi là tiên tri giả, đội lốt chiên.
Cây nào quả nấy. Người môn đệ Chúa không có hai khuôn mặt. Là Kitô hữu phải sống tốt ơn gọi của mình theo tinh thần Phúc âm.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con sống yêu thương và sống chân thật để làm chứng Chúa. Xin giúp chúng con đừng bao giờ làm phản nghịch hình ảnh Chúa, làm mất đức tin anh em, Amen.

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

HAI LỐI ĐI - RỘNG CHẾT - HẸP SỐNG


THỨ BA TUẦN XII - THƯỜNG NIÊN.

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 7,6. 12-14
LỜI CHÚA : 7, 13-14
13 “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. 14Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.”
SUY NIỆM :
“Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo” (6), nghĩa là đừng gởi gấm những đồ quý giá cho những kẻ không biết xử dụng giá trị của các đồ vật đó, và rất có thể họ sẽ quay ra chống cự lại ngươi. Ở đây tác giả muốn nói đến NƯỚC TRỜI.
Hành trình tiến về Nước Trời là ước mơ trên hết và cuối cùng của người Kitô hữu. Chúa Giêsu lần lượt đã trình bày về người môn đệ chính trực phải tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Cha (6,9); còn vấn đề anh thì sao ?
Đức Khổng Tử đưa ra một nguyên tắc giữ công bằng trong việc làm cũng rất hay: "Điều gì không muốn người khác làm cho mình, mình đừng làm cho người khác". Tuy nhiên, luật này mang tính tiêu cực nhiều hơn vì chỉ ngăn cản sự xấu xảy ra mà không làm cho tình yêu phát triển mạnh mẻ cho lắm.
Cũng gần tư tưởng như vậy, Chúa dạy nguyên tắc tích cực hơn: "Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (12). Cứ làm tốt cho nhau như vậy mọi người sẽ hạnh phúc, thế giới an bình và tình yêu triển nở không ngừng.
Song le con người không đơn giản nhất phương như vậy. Con người còn mang trong mình những khuynh hướng thầm kín nhưng rất mạnh mẻ điều khiển con người đi theo nó. Chưa kể tính lười biếng cố hữu trong mình, tâm lý tự nhiên con người thích sự dễ dãi, phóng khoáng. Sự thuận lợi cho thân xác sẽ bóp chết sự sống tâm hồn.
Đời sống đạo đức đòi buộc con người nép mình vào kỷ luật cao mà Chúa gọi là cửa hẹp: “Cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống” (14).
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho chúng con từ bỏ những giá trị tạm thời của thế gian mà can đảm đón nhận những giá trị vĩnh viễn của Tin mừng, Amen.

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

TÊN NÓ LÀ GIOAN


NGÀY 24 THÁNG 6 - LỄ SINH NHẬT GIOAN TẨY GIẢ

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH LUCA 1, 57-66. 80
LỜI CHÚA : Lc 1, 63
"Nó sẽ gọi tên là Gioan".
SUY NIỆM :
Trong năm phụng vụ, mừng sinh nhật có 3 lễ: Giáng Sinh Chúa Giêsu (25.12). Sinh nhật Đức Maria (8.9) và Sinh nhật Gioan Tẩy Giả (24.6).
Giáo Hội mừng kính thánh Gioan Tẩy Giả cả ngày sinh ra và ngày tử đạo (29/8). Ngày sinh nhật bậc lễ trọng. Ngày tử đạo mừng bậc lễ nhớ.
Cuộc đời và sứ mạng của thánh Gioan gắn liền với cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giêsu nên Giáo Hội sắp đặt lễ mừng Sinh nhật Vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế thành một Lễ Trọng.
Gioan đã từ bỏ đời sống giàu sang uy thế của gia đình, vào trong sa mạc hoang vắng sống mật thiết với Thiên Chúa, lắng nghe và thực hiện thánh ý Ngài. Khi Chúa Giêsu đến, Gioan đã giới thiệu số môn đệ để họ trở thành môn đệ Chúa Giêsu (Ga 1, 36); Gioan trả lời với những người đến hỏi ông: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (Ga 1, 27); và Gioan luôn tâm niệm: “Chúa Giêsu phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”(Ga 3, 30).
Trong việc phụng sự Chúa, ta không phải làm vinh danh mình mà cần làm vinh danh Thiên Chúa.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho chúng con khiêm nhường trong đời sống và can đảm làm chứng nhân Tin mừng như thánh Gioan Tẩy Giả, Amen.

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024

TÌNH THƯƠNG VÀ QUYỀN NĂNG THIÊN CHÚA


CHÚA NHẬT XII – THƯỜNG NIÊN – NĂM B.

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MARCÔ 4, 35-41.
LỜI CHÚA : Mc 4, 41
“Các ông hoảng sợ và nói với nhau: ”Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”
SUY NIỆM :
Chiều dần buông, đêm tối đang tới (35), trong não trạng thời xưa, đây là lúc thuận lợi cho quỷ thần xông ra quấy phá. Đối với những người quen sống trên đất liền và ngán sợ biển thì dòng nước sâu thẳm là nơi quyền lực ma quỷ rất thích cư ngụ. Thầy trò Chúa Giêsu tính chuyện sang bên bờ kia, là đang đi vào lãnh địa ma quỷ.
Có lẽ Chúa Giêsu thấm mệt giảng dạy cho dân chúng từ sáng đến chiều nên Ngài thiếp ngủ, mặc dù biển động cuồng phong thổi đến, nước tràn vào đầy thuyền vẫn không hay biết (37-38).
Các môn đệ đã cố hết sức bình sinh, nhưng cũng không giữ nổi con thuyền. Cơn hoảng sợ ập đến. Cách duy nhất là đánh thức Chúa dậy xin cứu giúp: ”Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (38). “Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: ”Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ” (39).
Chúa Giêsu quở trách các môn đệ: tại sao lại sợ hãi, tại sao lại thiếu đức tin như vậy (40). Có lẽ Ngài tập các ông quen dần với cuộc chiến gian khổ chống lại sự Dữ, Tà Thần.
Sự quan phòng của Chúa Cha đã cho các môn đệ sống trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh chứng kiến quyền năng và tình thương Chúa Giêsu, đồng thời cũng cho các ông nhận ra Ngài là Thiên Chúa.
Phép lạ này cũng dạy ta tin tưởng và phó thác cuộc đời mình trong tình thương và quyền năng của Ngài.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, đã tạo dựng chúng con để chúng con cảm nghiệm tình thương vô biên của Chúa. Xin cho chúng con luôn tin tưởng có Chúa ở cùng, cho dù sống trong mọi hoàn cảnh gian nan thử thách của cuộc đời, Amen.

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2024

KHÔNG THỂ LÀM TÔI HAI CHỦ


THỨ BẢY TUẦN THỨ XI – THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 6, 24-34
LỜI CHÚA : Mt 6, 33
“Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con.”
SUY NIỆM :
Để giúp giải quyết vấn đề hằng trăn trở và thổn thức của kiếp nhân sinh: ưu tiên của con người là gì khả dĩ mang lại cuộc sống đích thực và hạnh phúc ? Hôm qua dạy về "kho tàng và lòng trí" (Mt 6,19-23), hôm nay Chúa Giêsu tiến xa hơn đặt lại vấn đề: ai làm chủ trong lòng mình?. Kho tàng của ta là ai ?; là gì ?
Nói một cách chung thẩm, bản thể của tôn giáo có hai phần: Tuyệt Đối Thể và sự Cứu Độ. Trong đời sống tâm linh con người, không ai tự xưng mình là vô thần kể cả những người vô thần, mà ở đây Chúa Giêsu nêu tượng trưng: Thiên Chúa và Tiền Của (24).
Thiên Chúa tạo dựng con người vì yêu thương, nên Ngài chăm sóc con người. Chúa Giêsu đưa ra hai nhu cầu lớn của đời sống: ăn và mặc (25-26). Rồi Ngài cũng cho hai ví dụ minh diễn ứng kèm: chim sẻ và hoa huệ (28-29), cho thấy Thiên Chúa trao ban tất cả mà không phải lo lắng gì. Ngài còn khẳng định rằng nếu như con người có lo lắng chăng nữa, cũng không ai có thể kéo dài đời mình ra thêm một gang tất (27).
Phó thác và phải lo tìm kiếm nước Thiên Chúa chứ không phải đi tìm những của cải vật chất chóng qua, hư mất của trần gian này. Song le, vì con người quá yếu đuối, đời sống lại quá mong manh dẫn đến nhiều lo lắng, nên con người cố đi tìm sự an toàn và hạnh phúc từ tiền của để bảo đảm cho nó, và ngộ nhận đến mức tôn thờ. Tiền Của viết hoa được hiểu là Tà Thần (c.24).
Chúa mời gọi con người chọn lựa, nếu chọn Chúa thì phải chuyên tâm phụng thờ Chúa và sẽ được tất cả (33), nhược bằng chọn tiền của, thú vui, danh vọng thì chắc chắn sẽ mất Chúa, mất tất cả, mất luôn sự sống đời đời.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin giữ gìn chúng con vì chúng con tin cậy vào Chúa, Amen.

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

KHO TÀNG VÀ LÒNG TRÍ


THỨ SÁU TUẦN XI - THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG CHÚA GIÊ-SU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 6, 19-23.
LỜI CHÚA : Mt 6, 20-21
“Các con hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời: là nơi không có ten sét, mối mọt không làm hư nát, trộm cướp không đào ngạch lấy mất: Vì kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó.”
SUY NIỆM :
Kho tàng và lòng trí là hai khái niệm khác biệt. Tuy nhiên, trên thực tế quyện thành một, vì lòng trí tạo nên kho tàng và kho tàng cuốn hút lòng trí bám theo nó. Lòng trí khó nhìn thấy, không mấy ai biết, song nhờ kho tàng dễ nhìn thấy, mà nhận biết lòng trí cách dễ dàng.
Cuộc sống thì quá mong manh và cũng cần có của cải, nên con người có cảm tưởng nó bảo đảm được đời sống mình. Sự thật của cải tự nó là hủy hoại, vì nó bị ten sét và mối mọt đục khoét, bị trộm cắp (19b), chưa nói đến người chết thì không cần và cũng không mang nó theo được.
Chúa Giê-su dạy hãy tích lũy kho tàng trên trời nơi không có mối, không có trộm. Kho tàng trên trời chắc chắn không gì khác hơn là phần thưởng hứa ban cho việc thực thi bố thí, cầu nguyện và ăn chay đã đề cập trong Tin mừng hôm qua (Mt 6, 7-15).
"Con mắt là đèn của thân thể" (22). Bởi vậy, người môn đệ phải lựa chọn một trong hai: kho tàng dưới đất hay kho tàng trên trời. Giả sử có thể có trường hợp thứ ba chăng, tức là chọn cả hai. Tuyệt đối không được, Chúa Giêsu đã phán như thế: "không ai làm tôi hai chủ: Thiên Chúa và Tiền Của được" (24).
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin giúp chúng con giũ bỏ những đam mê vật chất trần gian, mà mến yêu lời Chúa, là đèn soi, là sự sống hoan lạc tâm hồn, Amen.

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2024

HÃY CẦU NGUYỆN THẾ NÀY


THỨ NĂM TUẦN THỨ XI – THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 6, 7-15
LỜI CHÚA : Mt 6, 15
“Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”
SUY NIỆM :
Một động thái thật âm thầm nhưng rất mạnh mẽ không thể thiếu vắng trong đời sống tôn giáo, đó là cầu nguyện.
Chúa Giêsu cho ta một ý niệm mới mẻ về tương quan với Thiên Chúa. Ngài không phải Đấng thần linh xa xôi lạnh lùng nhưng là Đấng gần gũi và chăm sóc, xưng hô Ngài là Cha. Và những ai dám đặt mình làm con cái Thiên Chúa, đều là anh em khi thốt lên lời cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con” mặc dầu chỉ có một mình.
Hơn nữa trong lúc cầu nguyện, không phải lải nhải xin cho được như ý của mình, vì mọi nhu cầu của ta Chúa Cha đã biết rõ, nhưng cầu xin biết được ý Chúa trong hoàn cảnh thực tế của mình, để ta thực hiện (😎. Lời kinh duy nhất Chúa Giêsu dạy có sáu ước nguyện: ba cho Thiên Chúa và ba cho con người, hay nôm na ba cho trên trời và ba cho dưới đất.
Trước tiên, cầu cho Danh Cha được hiển thánh là nhằm tôn vinh Thiên Chúa. Từ đó mong triều đại Cha mau đến để thiết lập thế giới mới, ở đó loài người được cứu rỗi. Ý Cha được thể hiện là ta không thể nào cản lại được mà đòi hỏi ta phải uốn nắn cho phù với khát vọng đó (9-10).
Khi ba nguyện ước trên tràn đầy, ta phó thác cuộc đời xin Chúa chúc lành công việc ngày mai. Lương thực linh hồn thì quá dư dật: Bánh Lời Chúa và bánh Thánh Thể đã dọn sẵn chờ đợi. Điều ta xúc phạm Chúa thì nhiều và lớn hơn anh em xúc phạm ta. Chúa sẽ tha thứ hết nếu ta tha cho anh em mình. Lời cuối gồm hai vế nhưng một ý nghĩa: xin giải thoát khỏi sự dữ. Có thể xin sự dữ đừng đến với mình, hay đã sa ngã thì đừng lún sâu khiến mất đức tin và ơn cứu độ, vì đơn độc ta không cân sức trong cuộc đụng độ này (11-13).
Lời kết được nhấn mạnh bằng sự tha lỗi cho anh em, nếu không ta tự kết án chính mình (c.14-15). Không phải phép Chúa công thẳng, cũng chẳng phải Ngài chơi khăm, nhưng vì trong con không có Ta.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tấm lòng nhân từ của Chúa, Amen.

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2024

QUY HƯỚNG VỀ THIÊN CHÚA


THỨ TƯ TUẦN THỨ XI – THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 6,1-6;16-18
LỜI CHÚA : Mt 6, 1
"Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không, các con mất công phúc nơi Cha các con là Ðấng ở trên trời.”
SUY NIỆM :
Ở bài giảng này, Chúa Giêsu dùng ba yếu tố chính trong đời sống đạo đức: Bố thí, Cầu nguyện và Ăn chay cảnh tỉnh các môn đệ thi hành theo ý hướng nào, mục đích thuộc về ai, để được nên trọn lành (Mt5,48).
Các hành vi cụ thể trên giúp ta đạt đến đức công chính. Tuy nhiên nó phải được xem xét với ý hướng sâu xa hơn. Vấn đề cơ bản là ta muốn ai xác nhận đức công chính của mình.
Loài người phàm trần ư? Nếu quả vậy, ta đã được người phàm khen rồi. Như thế đức công chính đã bị hiểu cách lệch lạc rồi. Bởi lẽ khi chung thẩm, đức công chính chỉ là chuyện giữa ta với Chúa mà thôi.
Các giá trị đạo đức thuộc về Thiên Chúa chứ không thuộc về người đời và trần thế. Sống lương thiện không phải để được tiếng khen của người đời nhưng là để sống theo giáo huấn của Chúa. Người đời và trần thế không thể đưa ta đến đường trọn lành.
Đến ba lần Chúa Giêsu nhấn mạnh đừng giả hình cũng đừng phô trương, Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh (18).
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin chúng con làm mọi việc trên cuộc đời chỉ vì lòng yêu mến Chúa mà thôi, Amen.

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

HÃY NÊN HOÀN THIỆN


THỨ BA TUẦN THỨ XI - THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 5, 43-48
LỜI CHÚA : Mt 5, 48
“Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”
SUY NIỆM :
Điều răn thứ năm: “chớ giết người” được nhấn mạnh một lần nữa qua hình thái mới. Chúa Giêsu trích dẫn lề luật cổ xưa dạy rằng: “Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù.” (43). Thật ra dòng chữ này không tìm thấy trong Cựu Ước. Tuy nhiên nó nằm cố hữu trong tâm thức con người của mọi thời đại, cần phải loại trừ.
Mệnh lệnh đưa ra: “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (44), lý do: như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha (45). Rồi Chúa Giêsu mô tả tình yêu của Chúa Cha không giới hạn và không phân biệt: “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (45).
Hai ví dụ: yêu kẻ yêu thương mình và chào hỏi người thân mình, ai ai cũng làm được (46-47). Cứ như thế thì chẳng mấy tốt đẹp. Chúa Giêsu muốn thay đổi toàn bộ lối sống chung của con người. Sự đổi mới xây dựng từ kinh nghiệm tình yêu mà Người có nơi Chúa Cha, Đấng nhân từ, Đấng chấp nhận tất cả mọi người: "Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em" (44).
Tình yêu đích thực là mong muốn mọi điều tốt lành cho kẻ khác bất luận họ đã làm gì cho mình, chứ không tùy thuộc vào những gì ta đã nhận từ họ. Tình yêu ấy đem lại sự trọn hảo. Chúa Giêsu đề nghị lối sống bằng, và sống trong tình yêu, sẽ là con cái đích thực của Chúa Cha (45), và cũng sẽ nên hoàn thiện như Chúa Cha (48).
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin giúp chúng con yêu thương kẻ thù như Chúa yêu, Amen.

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2024

ĐỪNG CHỐNG CỰ NGƯỜI ÁC


THỨ HAI TUẦN THỨ XI - THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 5, 38-42
LỜI CHÚA : Mt 5, 39
“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.”
SUY NIỆM :
Dự kiến có thể có sự nghi hoặc ở các môn đệ, Chúa Giêsu đề cập đến sự xung đột công khai và đến nạn nhân sau rốt của những kẻ ác nhân này bằng cách thay đổi, hướng tới tình yêu thương.
Đúng ra, luật đáp trả (Xh 21,24) muốn giới hạn sự báo oán, và đánh giá đền bù đúng mức khi bị xúc phạm (38). Người ta còn gán nguyên tắc này đến sự dàn xếp tài chính. Chúa Giêsu đưa ra một giải pháp triệt để: đừng chống cự người ác (39).
Chúa Giêsu nhắn gởi cho những ai đã chọn sống “Tám Mối Phúc” phải nhìn nhận rằng cú đáp lễ “đúng mức” không thể giải quyết ổn thỏa mọi sự. Trái lại, đó là khởi điểm cho một chuỗi bạo động dây chuyền sẽ kéo theo sau này. Oán báo oán thì oán chồng chất; đức báo oán thì oán tiêu tan.
Ba ví dụ liên tiếp: bị vả má (39); kiện lấy áo trong (40); bắt đi một dặm (41)…Câu 39 là cốt lõi: chắc chắn Chúa Giêsu không chìa má kia cho kẻ hành hung đâu, nhưng muốn nhịn lòng trước cử chỉ khiêu khích hầu giải trừ bạo lực. Tha thứ, nhẫn nhục và quảng đại là ba đức tính hóa giải cho ba ví dụ trên. Lòng bao dung sẽ biến đổi thế giới.
Điều cuối cùng (42), Chúa Giêsu kêu gọi đối xử, cách đặc biệt với những người ác này, rằng đừng từ chối những ai cần đến mình.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, chúng con sống còn xa vời so với tình yêu Chúa dạy. Xin giúp chúng con mỗi ngày nên giống Chúa nhiều hơn, Amen.

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2024

HẠT GIỐNG VÀ LỜI CHÚA


CHÚA NHẬT TUẦN THỨ XI – THƯỜNG NIÊN - NĂM B

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MARCÔ 4, 26-34
LỜI CHÚA : Mc 4, 31-32
“Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất.32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.”
SUY NIỆM :
Hai dụ ngôn hạt giống: lúa và cải, Chúa Giêsu dùng để nói về Nước Trời. Nước Trời được thiết lập giống hệt như tiến trình gieo hạt trọn vẹn, và chung cuộc là kết quả tốt đẹp như mùa gặt bông lúa nặng trĩu.
Sự âm thầm nẩy mầm của cây lúa diễn tả quyền năng mầu nhiệm không có gì chống lại được với Nước Thiên Chúa. Sự phát sinh và tăng trưởng Vương Quốc Ngài chẳng cần loài người tham gia đóng góp gì vào cả (c.26-29).
Cây cải cũng vậy. Sự to lớn bất ngờ và thất thường của nó cho thấy Nước Thiên Chúa tiềm ẩn nghịch lý tương tự như thế. Hình ảnh chim trời có thể làm tổ tiên báo mùa gặt hái thành công mang chiều kích vũ hoàn (c.30-32).
Kết luận cuối bài (c.33-34), Marcô cho biết Chúa Giêsu nói với dân chúng dùng toàn dụ ngôn, duy với các môn đệ thì Ngài giải thích, vì mầu nhiệm về Chúa Giêsu chưa thể nói với người ngoài.
Để vào được mầu nhiệm này, cần phải tin, và hơn thế nữa, theo bước Chúa trên con đường tử nạn và phục sinh của Ngài. Chỉ có đức tin mới hướng dẫn ta đến bản tính và sứ mệnh đích thực của Chúa Giêsu. Tin vào Chúa Giêsu thì hạt giống Lời và mầu nhiệm Nước Trời sẽ nên dễ hiểu hơn.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho chúng con gieo vào đời những cử chỉ nhỏ bé bằng yêu thương phục vụ để những người đón nhận cảm nghiệm được tình yêu chân thật và cao cả phát xuất từ Thiên Chúa, Amen.

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2024

SỐNG CHÂN THẬT


THỨ BẢY TUẦN THỨ X – THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 5, 33-37
LỜI CHÚA : Mt 5, 37
“Nhưng hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.
SUY NIỆM :
Chúa Giêsu đề ra sự trỗi vượt : sống chân thật để kiện toàn điều răn thứ hai và thứ tám.
Lời thề nhằm mục đích bày tỏ lòng trung thành, bảo đảm tính trung thực bất biến, không thay đổi của một đính ước tự nguyện về mặt đạo đức. Đôi khi những hành động mang tính pháp lý, người ta muốn được Thiên Chúa chứng thực rằng họ vô tội, hoặc có quyết tâm đền bù, sửa chữa.
Tuy nhiên, mọi người sống trong xã hội lúc này lúc khác, và vì con người cũng hay nghi hoặc lòng thành thật của kẻ nhau. Xã hội Do thái khá dè dặt về chuyện này (33); còn Chúa Giêsu triệt để hơn : chớ phán xét (7,1).
Những lời quãng diễn (34b-36) chứng thực rằng, người ta thường lấy trời, đất, đền thờ, để chứng nhận lời thề. Tuy nhiên chúng thường bị những kẻ tòa án làm lệch lạc đi. Nếu ngươi lấy cái đầu mà thề sai trái với Thiên Chúa, ngay cả sợi tóc trên đầu của mình còn không điều khiển được thì làm sao đền bù được.
Dứt khoát “có” hoặc “không”, đó là chính là điều cốt lõi của lời thề hầu củng cố cho các mối quan hệ chân thật. Đức tính đơn sơ này tạo nên một sự hài hòa giữa các môn đệ, nếu họ biết phó thác nơi Thiên Chúa; còn lời nói đúng sai, Thiên Chúa phân định.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn sống chân thật theo bản tính của Ngài, Amen.

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2024

NGOẠI TÌNH VÀ LY DỊ


THỨ SÁU TUẦN THỨ X – THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 5, 27-32
LỜI CHÚA : Mt 5, 28
“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.”
SUY NIỆM :
Chủ đề thứ hai Chúa Giêsu kiện toàn lề luật là cấm ngoại tình và không được ly dị thuộc điều răn thứ sáu và thứ chín.
Chúa Giêsu đem lại nền luân lý một giá trị mới cao cả hơn. Tội ngoại tình, đối với Ngài, không phải đợi xảy ra hành vi, hay có khi bị phát hiện mới thành tội, nhưng đã phạm ngay từ khi còn trong ý tường : thèm muốn, ý định (27-28).
Điều làm ô bẩn con người không phải thân xác mà chính tinh thần, mặc dù thân xác là cớ gây nên vấp phạm. Kiểu nói ”mắt" và ”tay", (”mắt" tượng trưng cho ý hướng của con tim, nó dẫn đưa khát vọng hướng về đối tượng; còn ”tay” (dùng để cầm) gợi lên hành động), nhấn mạnh: ý chí phải cương quyết, không chiều theo ý muốn tội lỗi (29-30).
Cấm ly dị (31). Đây là một thay đổi lớn của Chúa Giêsu. Xã hội tôn giáo Do thái lúc bấy giờ cho phép ly dị (Đnl 24,1). Thực ra, sự mới mẻ này chỉ lấy lại ý định ban đầu của Thiên Chúa được diễn tả trong sách Sáng Thế Ký (St 1,26). Trừ trường hợp ngoại lệ đặc biệt,”hôn nhân bất hợp pháp", có lẽ chỉ là trường hợp của những người không kết hôn thôi !
“Thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục”, đó là cái giá phải trả, ý muốn nêu lên tính triệt để, dứt khoát với tội lỗi, diệt trừ ngay trong tư tưởng và nhất là dịp tội.
Một cách khác, diễn tả mối phúc thứ sáu trong Bát Mối Phúc thật. Phúc cho kẻ nào có lòng trong sạch vì họ được nhìn thấy Thiên Chúa (5,8).
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin giúp chúng con loại bỏ tính xấu, và luôn giữ lòng trong sạch, Amen.

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2024

ĐI LÀM HÒA TRƯỚC

 


THỨ NĂM TUẦN THỨ X – THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 5, 20-26
LỜI CHÚA : 5, 23-24
“Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ”.
SUY NIỆM :
Mười điều răn Đức Chúa Trời, có điều thứ năm chớ giết người. Thường ta hiểu điều này theo nghĩa thể lý, ta giết người mới phạm tội; không giết không có tội.
Trong bài Tin mừng Chúa Giêusu quảng diễn rộng thêm ý nghĩa về tinh thần: “Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là "ngốc", thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục” (Mt 5, 22).
Phẩn nộ, ngốc, khùng (22) là thái độ và lời lẽ phản tình yêu, có khi hủy diệt sự hiện diện của anh em, xem họ như đã chết không có trên cuộc này. Rõ ràng là tội giết người.
Tuy nhiên cần chú ý thêm câu văn: “người anh em đang có điều bất bình với con,” (23), nghĩa là anh em phạm lỗi trước chứ không phải ta, vậy mà Ngài dạy chúng ta phải đi làm hòa trước rồi mới dâng của lễ.
Quá khó ! có lẽ Ngài dạy ta phải tha thứ lỗi lầm của anh em rồi đến dâng của lễ, nghĩa là phải có tâm tình hòa bình thì dâng lễ mới xứng đáng.
Hòa bình là hoa quả của tình yêu. Có yêu mới tha thứ, có tha thứ mới có hòa bình. Các điều này đòi buộc các Kitô hữu phải thực hiện, nhược bằng không, sẽ nhận hậu quả tương xứng (26).
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa là Chúa tình yêu, Chúa hòa bình. Xin cho chúng con giữ gìn tư tưởng, lời nói và việc làm, nhất là cách cư xử với anh em thuận hòa cho đẹp lòng Chúa và đẹp lòng nhau, Amen.

Thứ Ba, 11 tháng 6, 2024

KIỆN TOÀN LỀ LUẬT


THỨ TƯ TUẦN THỨ X – THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 5, 17-19
LỜI CHÚA : Mt 5, 17
"Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn".
SUY NIỆM :
Chúa Giêsu xác nhận sứ vụ và quyền hành của Ngài là kiện toàn lề luật Môsê và lời các tiên tri nên trọn vẹn ý Thiên Chúa (17).
“Mọi sự” trong câu (18): “cho đến khi mọi sự được hoàn thành”, chắc chắn là đại từ thay thế cho lề luật. Từ nay cho đến ngày phán xét, Lề luật luôn có giá trị và đòi buộc phải thi hành. Đó là sự tuân thủ triệt để.
Nghĩa là mọi điều Chúa Giêsu nói chắc chắn phải xảy đến và tồn tại muôn đời. Luật Chúa vững chắc hơn cả trời đất. Từ “qua đi” có nghĩa biến mất. Thế hệ này sẽ biến mất, vũ trụ này cũng vậy, Tuy nhiên lời Chúa Giêsu không biến mất mà lại được xác nhận trong tương lai.
Câu 19, là phần thưởng Nước Trời cho những ai tuân giữ lời Chúa và dạy người khác thi hành. Ngược lại, những ai bãi bỏ, hoặc tệ hại hơn đặt ra, và giữ luật loài người hơn mà xem thường luật Chúa, thì sẽ không được hưởng phúc .
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin đừng để chúng con câu nệ luật mà nhẫn tâm với những người họ đang cần tình thương của chúng con, Amen.

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2024

LÊN ĐƯỜNG


NGÀY 11 THÁNG 6 - LỄ THÁNH BARNABA, TÔNG ĐỒ. LỄ NHỚ

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 10, 7-15
LỜI CHÚA : Mt 10, 7
“Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần”
SUY NIỆM :
Chúa Giêsu sai các môn đệ lên đường. Các sứ giả lặp lại cùng một sứ vụ và lời công bố của Ngài: “Nước Trời đã đến gần” (4,17). Và thực hiện những dấu hiệu lòng thương xót mà Chúa Giêsu đã từng làm: chữa lành bệnh tật, cho kẻ chết sống lại và trừ quỷ (😎. Việc thi hành này hoàn toàn vô vị lợi, cho không, vì rằng chính họ đã chẳng có gì, tất cả nhờ quyền năng Thiên Chúa ban cho.
Hành trang của các môn đệ cũng không bám víu vào vật chất, họ mang dấp dáng của khách bộ hành không có phương tiện tự vệ. Nhờ vậy họ dễ dàng chấp nhận thái độ sống từ bỏ, mà chỉ biết trông cậy vào chỉ một Thiên Chúa (9-10).
Để làm cho người ta chấp nhận sứ điệp Nước Trời, sứ giả không ngần ngại chọn một gia đình nhiệt thành, có lòng mến khách để chiếu rọi Tin mừng cho họ, rồi từ đó lan rộng ra. Khi vào nhà vị thừa sai chào theo cách chúc bình an cho họ. Bình an ở đây là bình an của Nước Trời, được ban tùy thuộc thái độ đón nhận của họ. (11-13).
Nhưng nếu từ khước đón tiếp sứ giả do Chúa Giêsu sai đến, các thành đó sẽ mắc tội trước mặt Thiên Chúa nặng nề hơn so với thành Sôđôma và thành Gômôra, những thành khét tiếng là tội lỗi (14-15). Ơn cứu độ được ban cho tất cả mọi người không trừ một ai. Lãnh nhận hay khước từ do chính đương sự.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho mọi Kitô hữu, theo phận mình, dấn thân phục vụ và mở mang Nước Trời, Amen.

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2024

TINH THẦN NGHÈO KHÓ


THỨ HAI TUẦN THỨ X – MÙA THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG CHÚA GIÊ-SU THEO THÁNH MATTHÊU 5, 1-12.
LỜI CHÚA : Mt 5, 3
"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.”
SUY NIỆM :
Bài Tin mừng còn gọi là bài giảng trên núi hay tám mối phúc thật. Có thể chia làm hai phần: Bốn mối đầu là tương quan bản thân đối với Thiên Chúa; bốn mối sau là tương quan đối với tha nhân.
Dưới cái nhìn trần thế, tám mối phúc này không phúc tí nào nếu không muốn nói là bất hạnh. Tuy nhiên Chúa Giêsu dạy là phúc thật. Mỗi câu được chia làm hai vế: mỗi phúc có phần thưởng tất yếu kèm theo. Có lẽ phúc thứ nhất là nền tảng cho các phúc sau phát triển.
Tinh thần nghèo khó là lột bỏ cái tôi trọn vẹn, làm cạn, làm rỗng cái tôi của mình, trở nên kẻ bé mọn thì mới có chỗ cho Lời Chúa và Thiên Chúa hiện diện. Tận cùng của nghèo khó là đức khiêm nhường. Trong kinh thánh có hai nhân vật nổi bật mối phúc này là Đức Maria với lời ca: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại” (Lc 1,49a), và Gioan Tẩy Giả: “Người lớn lên còn tôi nhỏ lại” (Ga 3,30).
Con người có hạnh phúc thật khi tin vào Chúa Giêsu và đón nhận Lời của Người.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, thế giới ngày nay xem trọng con người trên tiền bạc của cải hơn giá trị nhân bản đạo đức. Xin cho chúng con là người tin Chúa luôn hướng lòng về quê trời là quê thật đời đời, Amen.