Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

CẦU CHO HOÀ BÌNH THẾ GIỚI


NGÀY 1 THÁNG GIÊNG - LỄ MẸ THIÊN CHÚA

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH LUCA 2, 16-21
LỜI CHÚA : Lc 2, 16
“Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi đến Bê-lem. Họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.”
SUY NIỆM :
Trong quang cảnh đêm Chúa sinh ra, sứ thần báo tin cho các mục đồng thức đêm canh giữ đàn vật. Giờ các anh không còn ngủ nữa, thức dậy và hối hả đến Bêlem. “Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” là dấu chỉ của sứ thần cho các mục đồng nhận ra: “Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,8-12). Thật ra đích đến của cuộc hành trình này không phải chỉ Bêlem mà là máng cỏ.
Đến nơi chứng kiến sự việc như lời sứ thần báo, họ liền kể lại sứ điệp của thiên thần. Khi được nghe các anh kể, tất cả mọi người đều ngạc nhiên, duy Đức Maria ghi nhớ mọi điều và suy đi nghĩ lại trong lòng (16-20). Các anh là những người đầu tiên mang tin mừng đến với mọi người dân thành Bêlem. Nói một cách khác, Chúa Hài Đồng Giêsu đã tiếp đón những người tội lỗi và bị loại bỏ từ khi mới sinh còn nằm trong máng cỏ.
Rời máng cỏ trở về, các anh mục đồng tiếp tục làm nhiệm vụ của mình dưới đất như của các thiên sứ trên trời: ca tụng tôn vinh Thiên Chúa loan truyền những điều họ chứng kiến tai nghe mắt thấy (20).
Phần Đức Maria, người nổi bật nhất về thái độ thầm lặng ghi nhớ và nghĩ ngợi. Từ cuộc truyền tin của Gabriel, Mẹ biết rằng con mình sẽ là Đấng Cứu Thế thuộc dòng dõi Đavit, là Con Thiên Chúa, là Đức Chúa. Hôm nay Mẹ được nghe gián tiếp lời sứ thần qua các anh mục đồng, con mình là Đấng Cứu Độ, nhưng một cách cụ thể các tước hiệu này có ý nghĩa gì ?
Chắc chắn Đức Maria suy đi nghĩ lại tất cả những điều đó trong lòng, dường như Mẹ chưa thấu hiểu hết ý nghĩa mặc khải nơi Người Con mà Mẹ sinh ra. Sự kiện Chúa Giêsu ở lại trong đền thờ năm mười hai tuổi, câu 50 cho suy đoán điều đó: “Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói”.
Thiện tâm trong lòng của Mẹ Maria là điều kiện để mầu nhiệm cao siêu của Thiên Chúa được hiện tỏ.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, nguyện xin bình an đêm Con Chúa giáng sinh ở cùng tất cả mọi người, mọi dân tộc trên toàn thế giới, Amen.

Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

THẦN KHÍ VÀ LỀ LUẬT


CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA – NĂM B - BÁT NHẬT LỄ GIÁNG SINH

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH LUCA 2, 22-40
LỜI CHÚA : 2, 40
“Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.”
SUY NIỆM :
Một lần nữa Tin mừng giới thiệu trọn vẹn nghi lễ tiến dâng Hài Nhi Giêsu, đây cũng là cách Thiên Chúa tỏ mình ra ngay trong đền thờ. Thánh Luca xác định hai đề tài cốt tủy sóng đôi trong cuộc đời Chúa Hài Nhi: Lề Luật và Thần Khí.
Ta không biết nhiều về cuộc đời ẩn dật của Chúa Giêsu trong ba mươi năm sống tại Nazareth. Luca tóm gọn quãng đời này vỏn vẹn chỉ một câu: “Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.”
Là một trẻ thơ, chắc chắn Chúa Giêsu cũng học hành và hấp thụ sự giáo dục công chính, gương siêng năng lao động của thánh Giuse, và thánh thiện, yêu thương của Mẹ Maria. Thánh Giuse và nhất là Mẹ Maria đã dạy Kinh thánh cho Chúa Giêsu rất kỹ lưỡng. Cả gia đình thánh này hằng sống trong lề luật và ân nghĩa với Thiên Chúa.
Hằng sống trong lề luật và ân nghĩa cùng Thiên Chúa là lý tưởng, là đích đến của mọi tín hữu, cách đặc biệt giáo dục con cái của các bậc cha mẹ trong gia đình. Đây cũng là tôn chỉ của nền giáo dục Kitô giáo mà các thánh nhân đã đạt được như cụ ông Simêon và cụ bà Anna trong Tin mừng.
Nền giáo dục của con người trong xã hội ngày nay có vẻ dần dần lánh xa tôn chỉ này, và hậu quả tất yếu là chính con người lãnh nhận. Nơi nào, tâm hồn nào vắng bóng Thiên Chúa, không sống trong ân nghĩa cùng Thiên Chúa, thì sẽ không có tình yêu và sự thật ngự trị; tâm hồn sẽ bấn loạn lăng loàn vì do sự dữ hướng dẫn. Những tưởng rằng sẽ làm chủ cuộc đời mình, thực thể họ là kẻ nô lệ của quyền lực tối tăm và xác thịt.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho chúng con tiến thân trong Luật pháp và thần khí của Chúa, và xin cho mọi gia đình Kitô hữu trên thế giới giáo dục con cái sống trong tình yêu và chân lý Ngài, Amen.

Thứ Năm, 28 tháng 12, 2023

ÁNH SÁNG SOI ĐƯỜNG


NGÀY 29/ 12 – TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH LUCA 2, 22-35
LỜI CHÚA : Lc 2, 32
32Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”
SUY NIỆM :
Trình thuật mô tả cuộc dâng hiến Chúa Giêsu vào đền thờ và Ngài đã tỏ mình ra. Một cách trang trọng, Luca mở đầu bằng sự kiện kép (22-24), được trích dẫn từ Kinh thánh: việc thanh tẩy Đức Maria (Lv 12,8), và việc chuộc lại con trai đầu lòng (Xh 13,2).
Có một điều lạ là không có một thành viên nào trong hàng tư tế được nêu lên và kèm theo nghi thức như luật ấn định, nhưng chỉ có ông già Simêon, người không phục vụ trong đền thờ, đến nhờ Thánh Thần thúc giục (25-35). Ông không chỉ là người công chính và đạo đức mà còn được thụ hưởng một ân huệ duy nhất: ông biết việc can thiệp đã gần, lịch sử mới khai mở sang trang.
Người canh thức cuối cùng của giao ước cũ trông đợi bình minh của thời Đấng Cứu Thế đã gặp gỡ. Ông ẵm trong tay Người Con đầu lòng của thế giới mới mà ông đã nhận ra. Ông thốt lên bài ca chúc tụng (29-32), trong đó có lời mặc khải mà sứ thần đã không báo cho Đức Maria: Chúa Giêsu là ánh sáng soi đường cho dân ngoại (32).
Cha mẹ Ngài ngạc nhiên vì như vậy con của mình là Đấng Cứu Độ toàn thế giới. Tuy nhiên, theo sau là lời sấm ngôn mang đầy tính biến động (34-35). Người con của Đức Maria sẽ trở nên nguồn gốc chia rẽ trong Israel mà sau này Chúa Giêsu nói lại: “Ta không đến để đem bình an, nhưng đem chia rẽ” (Lc 21,51).
Một lời sấm ngôn như thế là thể hiện một xác tín của Thánh kinh: hồng ân của Thiên Chúa sẽ là nguồn sinh ra sự sống hoặc sự chết tùy theo thái độ kẻ đón nhận. Việc Israel chống đối, loại trừ Chúa Giêsu và lời rao giảng của Ngài đã làm tâm hồn Đức Maria tan nát, và cũng là tâm tư thổn thức của nhiều người đã tin nhận Ngài là Đấng Cứu độ nhân loại (35).
Cụ Simêon mãn nguyện và sẵn sàng ra đi về với Thiên Chúa (22). Hạnh phúc cao cả nhất là được gặp Chúa và đón nhận Chúa.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống trong ánh sáng và niềm vui của Chúa, Amen.

Thứ Ba, 26 tháng 12, 2023

KẺ ĐÃ TỚI MỘ TRƯỚC


NGÀY 27/12, THỨ TƯ - TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

THÁNH GIOAN, TÔNG ĐỒ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG, LỄ KÍNH.
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH 20, 2-8
LỜI CHÚA : Ga 20, 8
“Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.”
SUY NIỆM :
Thời gian vật lý dường như cũng diễn tả mầu nhiệm. Bóng đêm, bóng tối của tội lỗi, của sự chết nhường chỗ cho ánh sáng hừng đông. Phục sinh của Chúa Giêsu không phải nguyên lý, mà là chân lý (c.1).
Có ba nhân vật xoay quanh Chúa Giêsu trong bản văn: bà Maria Macđala, Phêrô, và môn đệ kia, được cho là Gioan, tác giả Tin mừng.
Trước tiên bà Maria đi đến mộ từ sáng sớm. Bà thấy tảng đá lăn khỏi mộ (1). Hiện tượng này khiến bà có cảm tưởng người ta lấy xác Chúa đem đi đâu mất, liền chạy về báo tin cho hai ông (2).
Đây là hai người đều có mặt trong cuộc thương khó, mặc dù Phêrô phạm lỗi lầm, giờ hai ông diễm phúc được khám phá mầu nhiệm phục sinh.
Môn đệ kia chạy nhanh hơn, tới mộ trước nhưng không vào. Ông thấy những băng vải còn đó (3-5). Có lẽ ông tôn trọng tình trạng nguyên vẹn của nó.
Phêrô chậm hơn, rồi cũng đến nơi, ông vào thẳng trong mộ. Ông thấy những băng vải, và khăn che đầu Chúa Giêsu, cả hai được xếp gọn và để riêng (6-7). Cảnh tượng này chứng tỏ không phải bị đánh cắp, mà Chúa Giêsu đã bỏ đi. Trước đó không lâu, anh Lazarô ra khỏi mồ mình còn quấn vải, ở đây, Chúa Giêsu không còn cần khăn vải nữa, vì Ngài đã lìa bỏ thế giới loài người.
Được chứng kiến những dấu chỉ: mộ trống, khăn vải, và khăn che đầu, môn đệ kia đã tin Chúa Sống Lại, còn Phêrô thì không thấy nhắc đến. Lúc này Kinh Thánh chưa hoàn toàn thuyết phục: “hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết” (9).
Mừng kính thánh Gioan tông đồ nhắc nhớ ngài là chứng nhân và sứ giả của mầu nhiệm Vượt Qua, nghĩa là của Chúa Giêsu phục sinh; từng là chứng nhân của cuộc Biến Hình; ngài đi ra ngôi mộ trống đã thấy và đã tin (😎. Ngài là môn đệ đầu tiên tin Chúa phục sinh, và ở bên bờ hồ, chính ngài nhận ra Chúa phục sinh và nói với Phêrô: Thầy đó!
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, Chúa đã dùng thánh Gioan Tông đồ để mạc khải mầu nhiệm Ngôi Lời cho nhân loại. Xin mở lòng soi trí chúng con thấu hiểu những chân lý cao siêu thánh nhân đã truyền lại, Amen.

Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2023

ĐẤNG ĐẦY ÂN SỦNG


CHÚA NHẬT THỨ IV - MÙA VỌNG - NĂM B

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH LUCA Lc 1, 26-38
LỜI CHÚA : Lc 1, 28
28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”
SUY NIỆM :
Biến cố truyền tin không diễn ra từ cung điện trong đền thờ có khói hương bay tỏa, mà từ tư gia (28) trong một làng nhỏ bé là Nazareth miền Galilê (26).
Gabriel, sứ thần báo tin, cất lời chào: “Mừng vui lên”, không xưng hô đức Maria bằng tên cha mẹ đặt, nhưng bằng biệt danh chan chứa hồng ân: “Đấng đầy ơn sủng” vì Thiên Chúa ở cùng bà (28).
Bất ngờ và quá lạ, tên sứ thần không biết, lời chào không hiểu, Đức Maria bối rối (29). Sứ thần trấn an: “xin đừng sợ”, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa (30).
Bấy giờ thiên thần báo tin cho cô sứ điệp từ trời liên quan đến em bé sẽ gọi: Giêsu. Cô sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, là Con Đấng Tối Cao (21-33).
Ngạc nhiên và bỡ ngỡ, Đức Maria thắc mắc về tình trạng hiện tại mà tin mừng ba lần nhắc: “trinh nữ”, và cũng không hiểu cách thức mà lời loan báo sẽ thực hiện như thế nào (34).
Sứ thần giải thích tất cả sẽ xảy đến hoàn toàn do quyền năng Chúa Thánh Thần. Đấng được sinh ra là Con Thiên Chúa, Ngài là Đấng Thánh, được dành riêng cho Thiên Chúa (35).
Và sứ thần nêu ra dấu chỉ điển hình về quyền năng Thiên Chúa: bà Elizabeth thụ thai một người con trai trong lúc tuổi già (36), rồi đi đến kết luận rằng không có gì mà Thiên Chúa không làm được (37).
Trình thuật cho thấy Đức Maria nhận được nhiều mạc khải về mầu nhiệm của Chúa Giêsu và về Chúa Thánh Thần, cả chuyện bào thai Gioan, vì bà Elizabeth hiện giờ vẫn còn đang ẩn mình (1, 24).
Đức Maria đáp lời xin vâng cách trọn vẹn, để ý Chúa thực hiện nơi mình và sẵn sàng thi hành ý Chúa đúng nghĩa “nữ tỳ của Thiên Chúa”. Toàn bộ Kinh Thánh chỉ có Mẹ là người phụ nữ duy nhất được gọi danh này. Và mầu nhiệm NGÔI HAI nhập thể bắt nguồn từ hai chữ "xin vâng".
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã cứu chuộc loài người. Xin cho chúng con noi gương Mẹ Maria, vâng lời và cộng tác với Thiên Chúa để mang ơn cứu độ của Ngài cho tha nhân, Amen.

Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2023

BÀN TAY THIÊN CHÚA PHÙ HỘ


NGÀY 23/ 12 - MÙA VỌNG

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH LUCA 1, 57-66
LỜI CHÚA : Lc 1, 66
Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây ?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.
SUY NIỆM :
Việc Gioan sinh ra được mô tả vắn gọn (57). Khác với Đức Maria mặc khải cho biết đã được giấu kín, với bà Êlisabeth các người láng giềng và bà con thân thích biết được sự can thiệp của Thiên Chúa lúc bé sinh ra, đã làm cho mọi người hân hoan vui mừng (58).
Tuy nhiên, việc cắt bì và nhất là đặt tên cho con trẻ được khai triển khá dài và lý thú (59-66). Một gia đình tư tế tự bản chất là phải nắm giữ tập truyền, vậy mà ở đây bà mẹ từ chối đặt tên của cha cho con mà lại đặt cái tên mới lạ hoàn toàn không có trong dòng họ: Gioan. Ý nghĩa của từ này: “Thiên Chúa biểu lộ tình thương”.
Không phải ý nghĩa của từ làm Luca quan tâm mà việc bà Êlisabeth đã không thể bàn bạc nhất trí với chồng. Dấu chỉ bổ túc này về sự can thiệp của Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn lịch sử, được dành cho Giacaria và độc giả tin mừng, để họ nhận ra tên sứ thần Gabriel loan báo (lc 1,13).
Rồi mạch văn nhấn mạnh Giacaria chẳng nghe được vợ nói gì, vì ông vừa câm vừa điếc, nên họ ra hiệu để xem ý ông muốn đặt tên. Cả cha lẫn mẹ đều nói một ý duy nhất, vì thế mà có sự bỡ ngỡ, (63) ngạc nhiên của những người hiện diện trước một dấu hiệu mới về việc Chúa can thiệp khi viết: “Tên cháu là Gio-an”.
Vâng theo lời của thiên sứ, lập tức Giacaria nói được, đúng như lời đã được báo trước (1,20), và ông chúc tụng Thiên Chúa (64). Mọi người đều kính sợ và các sự việc trên được loan truyền ra khắp miền núi Giuđêa nhờ những người láng giềng (65).
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin giúp chúng con ý thức được sứ mạng của mình là mở đường cho mọi người đón nhận Chúa như Gioan xưa, Amen.

Thứ Năm, 21 tháng 12, 2023

ĐẤNG CỨU ĐỘ TÔI


NGÀY 22/ 12 - MÙA VỌNG

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH LUCA 1, 46-56
LỜI CHÚA : Lc 1, 46-47
46 Bấy giờ bà Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, 47 thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
SUY NIỆM:
Sau lời chúc phúc của bà Êlisabeth, Đức Maria đáp từ, diễn tả những điều thấy trong lòng thành một bài thánh ca ngợi khen Thiên Chúa.
Đi từ cuộc truyền tin, Thiên Chúa đoái thương nhìn tới phận hèn của Đức Maria, từ đó cho đến muôn đời Mẹ được khen là diễm phúc, vì được làm mẹ Thiên Chúa.
Đến đây (c.49-55), lời văn của Maria, nhưng Thiên Chúa làm chủ từ của mọi hành động. Đầu tiên (c.49-50), diễn tả là Đấng quyền năng, thánh thiện và nhân từ.
Hai câu 51-53, cho thấy cảnh thay đổi các tình huống và giá trị làm nổi bật bước chuyển từ thế giới này sang thế giới mới. Sự cứu độ của Thiên Chúa bắt đầu từ cuộc thụ thai Con Ngài, Đấng Cứu Thế, sẽ xét công bình cho kẻ thấp hèn, kẻ bị chà đạp.
Phần kết của kinh, sự can thiệp mang tính cứu độ được thực hiện bắt nguồn từ lời hứa với các tổ phụ, cho con cháu của Abraham. Luca cẩn thận không nói trước đề tài lương dân vào đạo, cho thấy khung cảnh đánh dấu mốc giới của hai thời kỳ trước sau của Chúa Kitô Phục Sinh.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cứu độ chúng con và toàn thế giới, Amen.

Thứ Tư, 20 tháng 12, 2023

MANG ĐẾN NIỀM VUI


NGÀY 21/ 12 - MÙA VỌNG

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH LUCA 1, 39-45
LỜI CHÚA : Lc 1, 44
“Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.”
SUY NIỆM :
Trình thuật kể lại cuộc viếng thăm của Đức Maria đến với bà Êlisabeth, có thể chia hai phần: Đức Maria gặp và chào bà Êlisabeth (v.39-41), và bà Êlisabeth ca ngợi Đức Maria (c 1,42-45).
Trước tiên, hai bà mẹ đang mang thai gặp gỡ nhau cho phép sự liên kết hai em bé sắp sinh ra. Sự vội vã lên đường của Đức Maria không phải để kiểm chứng lời của sứ thần thông báo, nhưng để chia sẻ cho nhau niềm vui mà cả hai bà đã đón nhận.
Việc Thánh Thần ngự đến trên bà Êlisabeth cho thấy Thiên Chúa đang hành động (41). Tuy nhiên sự can thiệp của thần linh này cần sự hiệp thông và suy nghĩ của con người. Khi nhận lời chào của sứ thần, Đức Maria liền chuyển giao lời chào ấy, và cả một tiến trình diễn ra.
Khi lời chào vang đến tai bà Êlisabeth, con trẻ trong lòng bà nhảy mừng. Em được tràn đầy Thánh Thần như sứ thần loan báo. Em thấy hừng lên bình minh của thời đại mới, và hân hoan nhận sự hiện diện của Đấng mà thiên hạ hằng đợi trông (44).
Mặc dù Đức Maria được chúc phúc trước, nhưng tâm điểm và tột đỉnh lời ca ngợi chính là bào thai trong dạ của Đức Maria, Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa. Và Đức Maria được hai lần chúc phúc, vì được làm mẹ Thiên Chúa (44) và vì đã tin lời Chúa thực hiện (45). Ở đây, phúc được làm mẹ và phúc vì có lòng tin vào Thiên Chúa không thể tách rời.
Ngoài ra, có thể kể thêm Đức Maria có phúc vì đã đem tin mừng, niềm vui: Đấng Tối Cao đến với gia đình người chị họ, bà Elisabeth.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin biến đổi những cuộc gặp gỡ của chúng con hằng ngày nên niềm vui trao cho nhau trong trong tình yêu thương của Chúa, Amen.

Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2023

VỮNG TIN VÀO LỜI CHÚA


NGÀY 19/ 12 - MÙA VỌNG

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH LUCA 1, 5-25
LỜI CHÚA : Lc 1, 13
“Nhưng sứ thần bảo ông : “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin : bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an.”
SUY NIỆM :
Để chuẩn bị cho ngày đón Chúa giáng sinh, phụng vụ cho các tín hữu chiêm ngắm cuộc truyền tin thứ hai, cho Giacaria, loan báo về Gioan, xảy ra trong thánh điện giữa nghi lễ phụng tự huy hoàng (9).
Sứ điệp sứ thần báo tin cho Giacaria rằng Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: ban cho ông một con trai, ông phải đặt tên cho con là Gio-an. Sau đó nói thêm sứ vụ của Gioan sau này rằng Gioan sẽ được thánh hiến cho Chúa và tiếp tục công việc của Êlia, dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến (13-17).
Giacaria và vợ là Êlisabeth, cả hai thuộc dòng dõi tư tế, được cho là công chính (6). Tuy nhiên khi sứ thần báo tin, ông tỏ ra thắc mắc: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? (18). Tương tự như câu hỏi này trong Cựu Ước cũng nói lên nhiều, chẳng hạn như với Abraham thì được tôn vinh là cha của kẻ có lòng tin, nhưng vì sao với Giacaria thì bị chê trách thiếu lòng tin. Lý do ở đây rõ ràng Giacaria là người am hiểu Kinh thánh.
Lúc đó sứ thần tự giới thiệu tên là Gabriel (19). Danh xưng này mặc khải cho Giacaria vai trò rõ rệt của sứ giả thiên quốc, và ông phải nhận một hình phạt bị câm cho đến khi con trẻ được sinh ra và đặt tên Gioan, thì ông mới trở lại bình thường (Lc 1,64).
Việc thực hiện ơn cứu độ cho nhân loại hoàn toàn còn ở trong bí mật. Đối với cộng đồng dân chúng đang đứng bên ngoài, ước mong chờ đợi vị tư tế trở ra và ban phúc lành thần linh cho họ (Gr 50,20). Vậy mà vị tư tế chỉ ra hiệu chứ không thể đọc lời ban phúc. Cộng đồng không hề biết chuyện gì xảy ra bên trong đền thờ. Tuy nhiên họ cũng biết xảy ra một mặc khải qua dấu hiệu câm nín và bàn tay của vị tư tế (22).
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra quyền năng của Ngài, để tín thác trọn vẹn vào Chúa, Amen.

ĐÓN NHẬN THÁNH Ý CHÚA


MÙA VỌNG - NGÀY 18/ 12 - TRƯỚC LỄ GIÁNG SINH

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 1, 18-24
LỜI CHÚA : Mt 1, 20
“Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.”
SUY NIỆM :
Trình thuật nói về gốc tích Chúa Giêsu, cũng cho thấy ơn gọi đặc biệt của thánh Giuse, vào giây phút quyết định Thiên Chúa đã cho thánh nhân tham dự vào chương trình cứu độ của Ngài.
Giuse đã đính hôn với Đức Maria, nhưng khi chưa cưới về nhà thì Đức Maria đã mang thai do bởi Chúa Thánh Thần (18). Điều này cho thấy Chúa Giêsu có nguồn gốc bởi thần linh. Thiên Chúa đã can thiệp và sáng tạo mới thay thế yếu tố sinh học.
Trong tình huống đó, luật cho phép bỏ vợ cách công khai, nhưng ở đây Giuse muốn âm thầm lặng lẽ. Ta không hiểu tâm lý Giuse lúc đó vì văn bản không đề cập. Tuy nhiên dựa theo quan điểm của tác giả tin mừng, Giuse công chính (19), vì ngài khước từ việc đứng nhận làm cha cho đứa bé không phải là con mình, và vì ngài đã vâng lời Thiên Chúa khi yêu cầu ngài nhận làm cha đứa bé ấy (21).
Sứ điệp của sứ thần là một mặc khải đối với ta, nhưng đó là sứ vụ của Giuse. Giuse được gọi thêm là con cháu Đavit, và được giao phó trách nhiệm đặt tên cho Hài nhi. Như thế, tính cách con cháu đích thực dòng dõi Đavit của Hài nhi đã được công nhận. Và tên đặt Giêsu có nghĩa là Cứu Chúa, Đấng cứu dân Người khỏi tội (21).
Khi tỉnh giấc (24) với sự mau mắn của “kẻ công chính”, Giuse đã làm đúng như lời sứ thần truyền, súy nữa là ông đã làm hỏng kế hoạch của Thiên Chúa.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khước từ ý riêng, để đón nhận ý Chúa, Amen.

Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2023

TIẾNG HÔ TRONG HOANG ĐỊA


CHÚA NHẬT THỨ III – MÙA VỌNG – NĂM B

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH GIOAN 1,6-8; 19-28
LỜI CHÚA : Ga 1, 23
“Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.”
SUY NIỆM :
Mở đầu sách Tin Mừng chương 1, 1-5, thánh Gioan dành riêng cho Chúa Giêsu như phần thánh thiêng, đến câu 6-8 tác giả giới thiệu Gioan Tẩy Giả bằng lời: “có một người”… rồi từ câu 19-28 tiếp tục nói về chân tính và sứ vụ của vị tiền hô này.
Người Do thái từ Giêrusalem, ý nói quyền bính Do thái, chính thức cử phái đoàn ba thành phần: tư tế, thầy Lêvi (19) và Pharisêu (24), yêu cầu ông xác định mình so với niềm mong đợi Đấng Cứu Độ.
Họ đặt ra nhiều câu hỏi liên tiếp cho Gioan tự xưng mình là ai.
Trả lời cho các tư tế và thầy Lêvi, Gioan tuyên bố: "Tôi không phải là Đấng Kitô" (20); “Không phải là Êlia” (21); “Không phải là ngôn sứ” (21). Gioan Tẩy Giả trả lời: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói (23).
Với câu hỏi của mấy người Pharisêu: không phải Đấng Kitô, không phải Êlia, không phải ngôn sứ, vậy tại sao ông làm phép rửa? (24). Gioan xác nhận phép rửa của mình mang tính khai tâm, chuẩn bị cho phép rửa trong Thánh Thần của Đấng đang ở giữa các ông mà các ông không biết (26). Chúa Giêsu là Ðấng muôn dân đợi trông.
Đối với Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu phải được đón nhận như một ân huệ mầu nhiệm Thiên Chúa. Chính ông không đáng cởi quai dép cho Ngài, một công việc dành riêng cho nô lệ (27).
Điều đó nói lên sự cách biệt giữa Chúa Giêsu và ông, giữa thánh thiêng và nhân phàm.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho tâm hồn chúng con hoan hân đón mừng ngày Chúa đến, Amen.

Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2023

HAI NGÔN SỨ, CHUNG SỨ VỤ


THỨ BẢY TUẦN THỨ II – MÙA VỌNG

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 17, 10-13
LỜI CHÚA : Mt 17, 12
”Nhưng Thầy nói cho anh em biết : ông Ê-li-a đã đến rồi và họ không nhận ra ông, nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.”
SUY NIỆM :
Một cuộc đối thoại ngắn giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, sau khi các ông chứng kiến cảnh vinh quang Chúa vừa biến hình trên núi và thấy Êlia hiện diện đàm đạo với Ngài (1-8).
Trở lại con đường thập giá Chúa Giêsu dặn dò các ông: “đừng nói ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết sống lại” (10).
Bấy giờ các môn đệ thắc mắc với Chúa Giêsu về sự trở lại của Êlia, bởi vì vị tiên tri này đã từng là đề tài trong việc giảng dạy của các kinh sư (10). Chúa Giêsu trả lời rất rõ ràng: Trước tiên Chúa Giêsu tóm tắt đơn giản lời tiên tri của Malaki 3,23-24 với ý nghĩa: ý kiến của các luật sĩ là đúng, bời vì có căn cứ Kinh Thánh (11).
Tuy nhiên, Chúa Giêsu xác nhận Êlia đã đến rồi, và chính những kẻ loan báo điều ấy, tức các kinh sư, chẳng hề nhận biết ông và còn đối xử thậm tệ với ông nữa (12a). Lời này định danh Đấng Tẩy Giả, vị tiền hô của Chúa Giêsu, ngay chính việc tử đạo của ông.
Rồi Chúa Giêsu loan báo, mặc dù rất vinh quang như các ông đã thấy, Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế (12b). Bấy giờ các môn đệ mới hiểu về chuyện của Gioan Tẩy Giả (13); đường khổ nạn và thập giá của Chúa Giêsu vẫn còn trong bí mật.
Bất cứ ai loan báo về Chúa Giêsu và về Nước Trời đều sẵn sàng chấp nhận con đường thử thách; những người đón nhận và thi hành cũng cùng số phận như vậy.
Mùa vọng Giáo Hội mời gọi con cái phải chấp nhận một tí đau khổ để sửa đổi tội lỗi.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho chúng con giảm bớt một thói hư tật xấu, và nhất là thực hiện một cử chỉ bác ai yêu thương để đón Chúa Giáng Sinh trong tâm hồn, Amen.

Thứ Năm, 14 tháng 12, 2023

VÍ THẾ HỆ NÀY VỚI AI


THỨ SÁU TUẦN THỨ II – MÙA VỌNG

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 11, 16-19
LỜI CHÚA : Mt : 11, 16
“Khi ấy, Đức Giêsu nói với đám đông rằng: “Tôi phải ví thế hệ này với ai ?
SUY NIỆM :
Chúa Giêsu ví von sánh giới lãnh đạo tinh thần dân Do thái bằng cảnh trò chơi trẻ con rủ nhau nô đùa ngoài chợ.
“Này hãy chơi trò đám cưới, nhảy nhót cho vui đi !
– Chúng tớ không thích đâu.
Thế thì chơi trò đám ma vậy !
- Chúng tớ cũng hổng thích trò này”.
“Cái thế hệ này” chẳng muốn gì tất. Họ chỉ muốn chống đối để biện minh thái độ thụ động của họ. Cả Chúa Giêsu và Gioan Tẩy Giả cùng chung thân phận bị loại bỏ, với Gioan có lối sống khắc khổ, họ cho là bị quỷ ám (18); còn Chúa ăn uống bị cho là giao du với quân thu thuế và tội lỗi (19).
Chúa Giêsu và Gioan đều gặt hái được ít thành công với sứ vụ của mình. Tuy nhiên Chúa nói đức khôn ngoan được biện minh bằng hành động (19). Thời gian là yếu tố phơi bày sự thật chứ không phải sự kiện thoáng nhìn. Họ không nghe lời khôn ngoan và Lời Con Người.
Sứ điệp mời gọi các tín hữu ăn năn sám hối và đặt niềm hy vọng: dù bị bạc đãi, Chúa Giêsu vẫn là hiện thân của Thiên Chúa khôn ngoan, và chắc chắn Ngài sẽ chiến thắng.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đáp lại lời mời gọi, canh tân đời sống hầu đón nhận Chúa Giáng Sinh ngự trong tâm hồn, Amen.
Có thể là hình ảnh về 7 người
Tất cả cảm xúc:
Bạn và 2 người khác

Thứ Tư, 13 tháng 12, 2023

ĐƯƠNG ĐẦU VỚI TỘI LỖI


THỨ NĂM TUẦN THỨ II – MÙA VỌNG

THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ, LINH MỤC, TIẾN SĨ, LỄ NHỚ.
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 11, 11-15
LỜI CHÚA : Mt 11, 12
“Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được.”
SUY NIỆM :
Gioan Tẩy Giả là một vị tiên tri được ngôn sứ Malaki nhắc đến dọn đường cho Đấng Cứu Thế (Ml 3,1), và còn xác định vai trò sứ giả của ông chính là Êlia tái hiện (Ml 2,23-24).
Chúa Giêsu đã khen ngợi con người cũng như sứ mạng của Gioan Tẩy Giả, ông được cho là tiên tri cuối cùng thời Cựu Ước, và đóng vai trò mở ra thời kỳ mới, thời kỳ của Nước Trời mà ông cũng là sứ giả đầu tiên của nước ấy (Mt 3,2), trong lịch sử nhân loại không có nhân vật nào vĩ đại hơn ông.
Tuy nhiên Chúa Giêsu xác định người Kitô hữu bé mọn nhất cũng có phẩm tính vượt hẳn ông bởi lẽ họ là công dân của Nước Trời, một Nước đã đảo ngược toàn bộ các tiêu chuẩn đánh giá của nhân loại, và ưu tiên cho kẻ nghèo hèn (Mt 18,3).
Song để vào Nước Trời thì không dễ dàng. “Từ thời của ông Gioan” cho đến thời Chúa Giêsu, Nước Trời sẽ gánh chịu bạo lực: Gioan bị bỏ tù; Chúa Giêsu bị hành hình trên thập giá. Người Kitô hữu phải chiến đấu với tội lỗi, và không đầu hàng bạo lực ấy (12).
Một sự thay đối mới thực sự xảy ra trong hoàn vũ : các lời tiên tri nói về sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả, coi ông là Êlia tái sinh (13). Sự thật là thế còn tùy thuộc vào anh em muốn nghe và muốn chấp nhận (14-15).
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, nhận biết Chúa là phúc của cuộc đời, xin ban Thánh Thần giúp chúng con đủ can đảm chấp nhận mọi sự thiệt thòi ở vì đạo Chúa, Amen.

Thứ Ba, 12 tháng 12, 2023

HÃY ĐẾN CÙNG TÔI


THỨ TƯ TUẦN THỨ II – MÙA VỌNG

THÁNH LUCIA, TRINH NỮ, TỬ ĐẠO, LỄ NHỚ
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 11, 28-30
LỜI CHÚA : Mt 11, 28
"Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng."
SUY NIỆM :
Những ai khó nhọc và gánh nặng là những kẻ bé mọn mà Chúa Giêsu nhắc trong lời tạ ơn Chúa Cha (11,25), là những kẻ đón nhận mạc khải và sẵn sàng vâng nghe tiếng Chúa. Họ đã phải chịu gánh nặng nề bởi nhiều điều trong luật quá khắt khe, không cần thiết.
Trong xã hội Do thái, hình ảnh cái ách được áp dụng cho rất nhiều điều: ách Lề Luật, ách giới răn, hoặc ách Nước Trời. Tất cả những gì mà loài người hân hoan mang lấy để đáp lại những đòi hỏi của Thiên Chúa.
Giới biệt phái vẫn coi ách Lề Luật không hề làm gánh nặng hoặc làm nô dịch con người, thế nhưng Matthêu cho rằng những điều họ giảng dạy chỉ nhằm đè nặng lên vai những đám lê dân mà thôi (23,4).
Ở đây Chúa Giêsu kêu gọi dân chúng hãy đến với Ngài để được giải thoát gánh nặng và được bồi dưỡng, mang lấy ách của Ngài là ách tình yêu, êm ái và nhẹ nhàng. Đặc biệt hãy học với Ngài, lý do được đưa ra vì Chúa Giêsu có lòng hiền hậu và khiêm nhường (29-30).
Người Kitô không còn lẻ loi tự mình giữ luật Chúa. Hằng ngày họ nuôi dưỡng bằng chính Mình Máu Thánh Ngài, và được ban tràn đầy Thánh Thần. Họ sẽ cảm nghiệm được đời sống đức tin và những đòi hỏi của Tin mừng sẽ là nguồn niềm vui và sức mạnh giúp họ tiến về Nước Trời.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin đứng để chúng con sống theo ý riêng của mình, nhưng sống hiền lành và khiêm nhường như Chúa, Amen.

Thứ Hai, 11 tháng 12, 2023

ANH EM NGHĨ SAO ?


THỨ BA TUẦN THỨ II – MÙA VỌNG - NĂM B

ĐỨC MẸ GUADALUPÊ
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 18, 12-14
LỜI CHÚA : Mt 18, 14
“Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”
SUY NIỆM :
Chiên lạc là dụ ngôn thứ ba trong một chuỗi sáu dụ ngôn ở chương 18 Tin Mừng của Matthêu, Chúa Giêsu giáo huấn về hội thánh. Câu chuyện rất quen thuộc với những người chăn chiên thời ấy, tuy nhiên, nội dung cho thấy tình yêu của Thiên Chúa qua ba chiều kích: ý muốn của Chúa Cha, sứ mạng của Chúa Giêsu, và nhân loại được cứu chuộc.
Chúa Giêsu ví kẻ có tội như chiên bị lạc mất. Đi tìm kiếm họ đem về đàn là sứ mạng của Ngài và của giáo hội, bởi vì số phận của những người ấy đang ở trong tình trạng hiểm nghèo, số đông còn lại đang sống trong bình an.
Hình ảnh chiên lạc trong dụ ngôn chính là những kẻ bé mọn (14) trong cộng đoàn và sự lầm lạc của họ được so sánh tình trạng bị hư mất. Nguyên nhân lầm lạc không được nói rõ, có thể hiểu theo hai nghĩa: hoặc do nghe theo giáo lý sai lạc, hoặc sống luân lý không phù hợp với giáo huấn của Ngài.
Điều đáng chú ý việc lầm lạc không quy trách nhiệm cho con chiên mà nhấn mạnh đến mục tử xử trí thế nào với con chiên lạc đường. Giữa 99 con chiên còn trong đàn và 1 con chiên bị lạc, anh em nghĩ sao? Liệu trong cộng đoàn, mục tử có ưu tư và lo lắng cho con chiên bị lạc không, có đi tìm và đưa chiên lạc lối trở về đàn không?
Hẳn nhiên là có. Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu đề cao sứ mạng chính yếu của người mục tử là cứu vớt những gì đã hư mất, vì đó sứ mạng của Ngài, và đó là ý muốn của Chúa Cha (14). Ngài mời gọi tất cả mục tử trong Giáo hội kế vị Ngài chuyên tâm thi hành sứ vụ này.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho chúng con mau mắn trở về với Chúa trong mùa vọng này, và xin cho các linh mục thương những người tội lỗi, tìm đến ủi an, vỗ về họ trở về lại với Chúa, Amen.