Thánh
Gioan Tẩy Giả là một vị thánh lạ lùng:
- lạ lùng vì được thụ thai trong lòng một bà mẹ già đã quá tuổi sinh con: “Cả
hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa..., nhưng họ lại không
có con, vì bà Êlisabét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên” (Lc 1,6-7);
- lạ lùng vì khi đang còn trong lòng mẹ, đã được sạch tội tổ tông: “Bà
Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên...: ...
“ Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy
lên vui sướng” (Lc 1,41-44);
- lạ lùng vì khi đang còn thanh niên, đã đi vào hoang địa, sống cuộc đời tu trì
khổ hạnh: ”Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy
châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn” (Mt
3,4);
- lạ lùng vì khi được dân chúng hoan hô khen ngợi, xem như Đấng Cứu Thế, thì
vẫn khiêm nhượng cho mình là kẻ không đáng xách dép cho Đấng Cứu Thế: “Đấng
đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người” (Mt 3,16);
- lạ lùng vì cái chết đầy anh dũng để bảo vệ luật Chúa: “Vua sai
người vào ngục chặt đầu ông Gioan. Người ta đặt đầu ông trên mâm...” (Mt 14,10-11).
Thánh Gioan Tẩy Giả làm chứng Chúa Cứu Thế bằng lời nói.
Trước khi Chúa Cứu Thế đến, thánh
Gioan đã lớn tiếng rao giảng cho mọi người biết và yêu mến Chúa Giêsu, và dọn
lòng mọi người tiếp rước xứng đáng Chúa Giêsu. Thánh nhân nói:
- “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy”
(Lc 3,5), nghĩa là phải sống
thánh thiện để đưa mình lên ngang hàng với địa vị cao sang của người con của
Chúa;
- "Mọi núi đồi, phải bạt cho thấp” (Lc 3,5), nghĩa là phải sống cho thật tình khiêm nhượng;
- "Khúc quanh co,
phải uốn cho ngay” (Lc 3,5), nghĩa là phải có ý ngay lành vì Chúa trong mọi
công việc mình làm;
- "Đường lồi lõm, phải san cho phẳng” (Lc 3,5), nghĩa là hãy lánh xa những trở ngại làm chúng ta xa
Chúa, như chạy theo danh vọng, ham mê tiền bạc, mê đắm dục vọng.
Mặc dầu được dân chúng quý trọng và xem như Đấng Cứu Thế, thánh Gioan Tẩy Giả
vẫn khiêm nhượng, xem mình chỉ là tiếng kêu thúc giục mọi người dọn đàng cho
Chúa Cứu Thế đến, “như có lời chép
trong sách ngôn sứ Isaia: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con
đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Lc 3,4).
Thánh Gioan Tẩy Giả còn xem mình như người đầy tớ của Chúa Cứu Thế mà thôi:
"Có Đấng mạnh thế hơn tôi
đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Lc 3,16).
Và khi thấy Chúa Cứu Thế đến, thánh
Gioan Tẩy Giả hô to: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội
trần gian” (Ga 1,29).
Thánh Gioan Tẩy Giả làm chứng Chúa Cứu Thế bằng việc làm
Không những làm chứng Chúa Cứu Thế
bằng lời nói, thánh Gioan Tẩy Giả còn làm chứng bằng việc làm, nghĩa là bằng
đời sống đạo đức thánh thiện của mình và bằng chính máu mình đổ ra.
Đời sống của thánh Gioan Tẩy Giả rất thánh thiện, đến đổi dân chúng cho rằng
chính ngài là Đấng Cứu Thế đang đến: “Hồi đó, dân đang trông ngóng,
và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng
Mêsia!” (Lc 3,15). Ngay cả những hạng biệt phái, luật sĩ, tư tế cũng
ngạc nhiên, sai người đến hỏi ngài có phải là Đấng Cứu Thế không: “Người
Do Thái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lê Vi đến hỏi ông: "Ông
là ai? " Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: "Tôi không phải
là Đấng Kitô” (Ga 1,19-20).
Mặc dầu được mọi người kính trọng như một vị thánh, thánh Gioan Tẩy Giả vẫn
khiêm nhượng, áo thì mặc lông lạc đà, của ăn là châu chấu và mật ong rừng. Ngài
còn tự xưng mình là tiếng kêu trên rừng, là kẻ đầy tớ hèn mọn nhất của Đấng Cứu
Thế.
Mặc dầu bị các kẻ kiêu ngạo biệt phái, luật sĩ, tư tế từ chối không tin, thánh
Gioan Tẩy Giả vẫn nêu cao luật Chúa và nói cho họ biết cơn giận của Chúa sẽ đến
tiêu diệt họ như tiêu diệt những cành cây khô cằn cỗi.
Mặc dầu vua Erode đầy quyền uy cao sang, nhưng khi vua lỗi luật Chúa và làm
gương xấu, thánh Gioan Tẩy Giả cũng vẫn lên án tội lỗi của vua, dù bị giam tù
và phải chết thê thảm. Amen.