Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

CẦU CHO HÒA BÌNH THẾ GIỚI


NGÀY 1 THÁNG 01 NĂM 2021 - LỄ MẸ THIÊN CHÚA

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH LUCA 2, 16-21
LỜI CHÚA : Lc 2, 16
“Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi đến Bê-lem. Họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.”
SUY NIỆM :
Trong quang cảnh đêm Chúa sinh ra, sứ thần báo tin cho các mục đồng thức đêm canh giữ đàn vật. Giờ các anh không còn ngủ nữa, thức dậy và hối hả đến Bêlem. “Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” là dấu chỉ của sứ thần cho các mục đồng nhận ra: “Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,8-12). Thật ra đích đến của cuộc hành trình này không phải chỉ Bêlem mà là máng cỏ.
Đến nơi chứng kiến sự việc như lời sứ thần báo, họ liền kể lại sứ điệp của thiên thần. Khi được nghe các anh kể, tất cả mọi người đều ngạc nhiên, duy Đức Maria ghi nhớ mọi điều và suy đi nghĩ lại trong lòng (c.16-20). Các anh là những người đầu tiên mang tin mừng đến với mọi người dân thành Bêlem. Nói một cách khác, Chúa Hài Đồng Giêsu đã tiếp đón những người tội lỗi và bị loại bỏ từ khi mới sinh còn nằm trong máng cỏ.
Rời máng cỏ trở về, các anh mục đồng tiếp tục làm nhiệm vụ của mình dưới đất như của các thiên sứ trên trời: ca tụng tôn vinh Thiên Chúa loan truyền những điều họ chứng kiến tai nghe mắt thấy (c.20).
Phần Đức Maria, người nổi bật nhất về thái độ thầm lặng ghi nhớ và nghĩ ngợi. Từ cuộc truyền tin của Gabriel, Mẹ biết rằng con mình sẽ là Đấng Cứu Thế thuộc dòng dõi Đavit, là Con Thiên Chúa, là Đức Chúa. Hôm nay Mẹ được nghe gián tiếp lời sứ thần qua các anh mục đồng, con mình là Đấng Cứu Độ, nhưng một cách cụ thể các tước hiệu này có ý nghĩa gì ?
Có lẽ Đức Maria suy đi nghĩ lại tất cả những điều đó trong lòng dường như Mẹ chưa thấu hiểu hết ý nghĩa mặc khải nơi Người Con mà Mẹ sinh ra. Biến cố Chúa Giêsu ở trong đền thờ năm mười hai tuổi, câu 50 cho suy đoán điều đó: “Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói”.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, nguyện xin bình an đêm Con Chúa giáng sinh ở cùng tất cả mọi người, mọi dân tộc trên toàn thế giới, Amen.

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

NGUỒN GỐC MẦU NHIỆM CỦA CHÚA GIÊSU


31/12 - NGÀY THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

THÁNH SILVESTER I, GIÁO HOÀNG
KHỞI ĐẦU TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH GIOAN 1,1-18
LỜI CHÚA : Ga 1, 1
“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.”
SUY NIỆM :
Đây là lời tựa sách Phúc Âm của thánh Gioan, trình bày căn tính của Chúa Giêsu Kitô, nguồn gốc mầu nhiệm của Ngài, là đức tin, là cốt tủy sách tin mừng của Gioan, phần còn lại chỉ là những chi tiết mở rộng, quảng diễn.
Tạm phân thành bốn đoạn: (1) theo mạch lạc ca ngợi sự vĩnh hằng của Ngôi Lời; (2)sự hiện diện sáng ngời của Người bên cạnh loài người; (3) Người ngự đến giữa dân tộc Do thái; (4) và Người nhập thể trong Con Người của Chúa Giêsu.
Khởi đầu từ Thiên Chúa, nhiệm xuất bởi Cha và luôn hướng về Thiên Chúa, Chúa Giêsu là Ngôi Lời, là Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành; điều được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng (c.1-4).
Đến đây, thế giới phân ra làm hai cực: ánh sáng và bóng tối. Ánh sáng chiếu soi bóng tối, nhưng bóng tối không diệt được ánh sáng (c.5).
Tương tự, sự nhập thể đánh dấu sự hội nhập của Ngôi Lời vào trong lịch sử. Sự gặp gỡ quyết định của Người với loài người và với dân tộc Do thái: kẻ khước từ, người đón nhận.
Tất cả mặc khải này là do chính Người, Chúa Giêsu, Ngôi Lời, cho chúng ta biết (c.18).
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin mở tâm hồn và lý trí chúng con yêu chuộng ánh sáng, ham muốn sự thật, để đời sống ngày càng được thăng tiến, Amen.

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

LỜI NỮ NGÔN SỨ ANNA


30/12 - NGÀY THỨ 6 TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH LUCA 2, 36-40
LỜI CHÚA : Lc 2, 38
“Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.”
SUY NIỆM :
Giống như Simêon chờ đón Đấng Cứu Thế, cụ bà Anna “không rời bỏ Đền Thờ, nhưng ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa”. Vào giờ Mẹ Maria và thánh Giuse dâng hiến Hài Nhi Giêsu, bà cũng tiến vào, tuy không nói mạc khải nào mới, giới thiệu Chúa Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc (36-38).
Tuy nhiên, chính nơi bà cụ là mẫu gương cho góa phụ Do thái hay cho Kitô giáo, mà Luca một lần nữa làm vang dội bài ca tụng Thiên Chúa của ông Simêon. Điều đó đánh dấu kết thúc cảnh mạc khải này với một sắc thái hân hoan cũng như cách sống hy vọng và trung thành của hai cụ Simêon và Anna.
Phần kết (39-40), nhấn mạnh lòng trung thành của hai cha mẹ đối với lề luật. Sau đó trở về miền Galilê. Chúa Giêsu sống ở Nazareth trong thần khí và ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
Như hai cụ Simêon và Anna đã chuẩn bị một đời người để được bồng ẵm Chúa, Các Kitô hữu cũng chuẩn bị tâm hồn kỹ lưỡng để gặp gỡ Chúa nơi phép Thánh Thể, trong cử hành phụng vụ hàng ngày, hay nơi người nghèo khó, đau yếu…
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa là nguồn niềm vui của chúng con, xin cho tâm hồn chúng con luôn ở trong Chúa từ nay cho đến trọn cuộc đời, Amen.

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

ÁNH SÁNG SOI ĐƯỜNG


29/12 NGÀY THỨ 5 - TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH LUCA 2, 29-35
LỜI CHÚA : Lc 2, 29-33
29“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. 30Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ. 31Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: 32Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”
SUY NIỆM :
Trình thuật mô tả cuộc dâng hiến Chúa Giêsu vào đền thờ và Ngài đã tỏ mình ra. Một cách trang trọng Luca mở đầu bằng sự kiện kép (c.22-24), được trích dẫn từ Kinh thánh: việc thanh tẩy Đức Maria (Lv 12,8), và việc chuộc lại con trai đầu lòng (Xh 13,2).
Có một điều lạ không có một thành viên hàng tư tế được nêu lên và kèm theo nghi thức như luật ấn định, nhưng chỉ có ông già Simêon, người không phục vụ trong đền thờ, lại đến nhờ Thánh Thần thúc giục (c.25-35). Ông không chỉ là người công chính và đạo đức mà còn được thụ hưởng một ân huệ duy nhất: ông biết việc can thiệp đã gần, lịch sử mới khai mở sang trang.
Người canh thức cuối cùng của giao ước cũ trông đợi bình minh của thời Đấng Cứu Thế đã gặp gỡ. Ông ẵm trong tay Người Con đầu lòng của thế giới mới mà ông đã nhận ra. Ông thốt lên bài chúc tụng (c.29-32), trong đó có lời mặc khải mà sứ thần đã không báo cho Đức Maria: Chúa Giêsu là ánh sáng soi đường cho dân ngoại (c.32).
Cha mẹ Ngài ngạc nhiên vì như vậy con của mình là Đấng Cứu Độ toàn thế giới. Tuy nhiên, theo sau là lời sấm ngôn mang đầy tính biến động (c.34-35). Người con của Đức Maria sẽ trở nên nguồn gốc chia rẽ trong Israel mà sau này Chúa Giêsu nói lại: “Ta không đến để đem bình an, nhưng đem chia rẽ” (Lc 21,51).
Một lời sấm ngôn như thế là thể hiện một xác tín của Thánh kinh: hồng ân của Thiên Chúa sẽ là nguồn sinh ra sự sống hoặc sự chết tùy theo thái độ kẻ đón nhận. Việc Israel chống đối, loại trừ Chúa Giêsu và lời rao giảng của Ngài đã làm tâm hồn Đức Maria tan nát, và cũng là tâm tư thổn thức của nhiều người đã tin nhận Ngài là Đấng Cứu độ nhân loại (c.35).
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin giúp chúng con chu toàn lề luật và trách nhiệm như gia đình thánh gia và như ông Simêon, Amen.

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

CHÚA HÀI ĐỒNG TRỐN THOÁT; CON TRẺ BỊ SÁT HẠI


NGÀY 28/12 – LÊ CÁC THÁNH ANH HÀI

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 2, 13-18
LỜI CHÚA : Mt 2, 16
“Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.”
SUY NIỆM :
Trong một bản văn vắn vỏi, Matthêu trình bày hai kế hoạch và hai hậu quả của Thiên Chúa và của con người đối với Chúa Hài Đồng Giêsu vừa giáng sinh.
Thời cổ, xứ Ai Cập là nơi lánh nạn cho những người phải trốn chạy của xứ Palestine. Ở đây (13-15), hé mở hai ý tưởng: một, sự giống nhau giữa Chúa Giêsu và Môsê trong thân phận bị lùng kiếm sát hại; hai, từ nơi lưu đày trở về đất hứa, Israel.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt nghiệt ngã, Môsê phải bôn ba đào tẩu từ sự độc ác của Pharaon, vua Ai Cập; còn Chúa Giêsu phải bôn ba lưu lạc do chính Hêrôđê, vua Israel.
Rời cảnh chạy trốn của Chúa Hài Đồng, Matthêu kể lại cuộc thảm sát các con trẻ từ hai tuổi trở xuống ở Bêlem và vùng phụ cận (16-18). Thảm cảnh này hẳn nhiên do bản tính tàn nhẫn của Hêrôđê gây ra. Thiên Chúa đã ra tay cứu thoát Hài Nhi Giêsu, nhưng các con trẻ Bêlem quả thực chúng đã bị giết.
Trong tâm tư tác giả tin mừng, Thiên Chúa chẳng chịu trách nhiệm về việc sát hại này, mà chính kẻ cầm quyền điên rồ đương thời phải gánh chịu. Rõ ràng các con trẻ chẳng nói lời nào, nhưng cái chết của chúng nói lên tất cả rằng: Hài Nhi Giêsu đã ra đời cùng thời với chúng tôi, và tội ác loài người tìm giết Ngài, sát hại nhầm chúng tôi.
Như thế, đoạn tin mừng này phản phất viễn ảnh cuộc khổ nạn của Đức Kitô và ơn cứu độ của Đấng Phục sinh. Thiên Chúa yêu thương cứu chuộc; loài người thì truy tìm hủy diệt.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho chúng con sống chứng nhân cho Chúa bằng những việc hiền lành, thật thà, đơn sơ. Xin đừng để vướng vào tội ác sát nhân anh em dù chỉ bằng lời nói, Amen.

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

CÓ BÀN TAY THIÊN CHÚA PHÙ HỘ


THỨ TƯ TUẦN IV – MÙA VỌNG

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH LUCA 1, 57-66
LỜI CHÚA : Lc 1, 66
Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây ?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.
SUY NIỆM :
Việc Gioan sinh ra được mô tả vắn gọn (c.57). Khác với Đức Maria mặc khải cho biết đã được giấu kín, với bà Êlisabeth thì các người láng giềng và bà con thân thích biết được sự can thiệp của Thiên Chúa lúc bé sinh ra, đã làm cho mọi người hân hoan vui mừng (c.58).
Tuy nhiên, việc cắt bì và nhất là đặt tên cho con trẻ được khai triển khá dài và lý thú (c.59-66). Một gia đình tư tế tự bản chất là phải nắm giữ tập truyền, vậy mà ở đây bà mẹ từ chối đặt tên của cha cho con mà lại đặt cái tên mới lạ hoàn toàn không có trong dòng họ: Gioan. Ý nghĩa của từ này: “Thiên Chúa biểu lộ tình thương”.
Không phải ý nghĩa của từ làm Luca quan tâm là việc bà Êlisabeth đã không thể bàn bạc nhất trí với chồng. Dấu chỉ bổ túc này về sự can thiệp của Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn lịch sử, được dành cho Giacaria và độc giả tin mừng, để họ nhận ra tên sứ thần Gabriel loan báo (lc 1,13).
Rồi văn mạch nhấn mạnh Giacaria chẳng nghe được vợ nói gì, vì ông vừa câm vừa điếc, nên họ ra hiệu để xem ý ông muốn đặt tên. Cả cha lẫn mẹ đều nói một ý đồng nhất, vì thế mà có sự bỡ ngỡ, ngạc nhiên của những người hiện diện trước một dấu hiệu mới về việc Chúa can thiệp khi viết: “Tên cháu là Gio-an”.
Vâng theo lời của thiên sứ, lập tức Giacaria nói được, đúng như lời đã được báo trước (1,20), và ông chúc tụng Thiên Chúa. Mọi người đều kính sợ và các sự việc trên được loan truyền ra khắp miền núi Giuđêa nhờ những người láng giềng.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin giúp chúng con ý thức được sứ mạng của mình như Gioan xưa, là mở đường cho mọi người đón nhận Chúa, Amen.

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2020

CUỘC GẶP GỠ TRÀN ĐẦY THÁNH THẦN


THỨ BA TUẦN IV – MÙA VỌNG

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH LUCA 1, 46-56
LỜI CHÚA : Lc 1, 46-47
46 Bấy giờ bà Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, 47 thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
SUY NIỆM :
Bầu khí gặp gỡ là bầu khí của niềm vui. Maria là người cất tiếng chào trước. Tiếng chào ấy đã làm thai nhi Gioan nhảy mừng trong lòng mẹ (44), và làm bà Êlisabét lớn tiếng chúc tụng (42-45). Maria cũng hân hoan cất lời ngợi khen Thiên Chúa (46-47).
Bầu khí gặp gỡ là bầu khí của Thánh Thần. Maria đầy Thánh Thần từ khi cưu mang Đức Giêsu (35). Êlisabét đầy Thánh Thần từ khi nghe Maria chào (41).
Nhờ Thánh Thần, bà Êlisabét đã khám phá ra bí mật của cô em có phúc hơn mọi phụ nữ, vì cưu mang người Con tuyệt vời (42) và vì dám tin điều Thiên Chúa nói (45). Chính Mẹ cũng nhận mình là người diễm phúc vì được muôn hồng ân (48).
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống trung thành sống theo tiếng gọi của Tin mừng, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Amen.

Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2020

MANG ĐẾN NIỀM VUI


THỨ HAI TUẦN IV – MÙA VỌNG

THÁNH PHÊRÔ CANISIÔ, LINH MỤC, TIẾN SĨ.
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH LUCA 1, 39-45
LỜI CHÚA : Lc 1, 41
“Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần”
SUY NIỆM :
Việc sứ thần nhắc bà Elisabeth mang thai tháng thứ sáu (36) là mạc khải từ trời cho Đức Maria, thông tin này người ngoài chưa biết vì bà vẫn còn ẩn mình (24). Khi nghe được điều này, Đức Maria liền vội vã lên đường thăm người chị của mình.
Cuộc thăm viếng của hai người phụ nữ mang thai cho phép liên kết hai em bé sắp sinh ra. Và thần khí tiên tri của bà Eliasabeth cho thấy Thiên Chúa đang hành động. Khi lời chào của Đức Maria vang đến tai bà, con trẻ sắp sinh nhảy mừng trong dạ mẹ (44). Không phải bằng lời, em bé nói tiên tri bằng sự hân hoan nhảy mừng vì đã nhận ra sự hiện diện của Đấng thiên hạ đang trông đợi vào thời cuối cùng.
Được đầy đủ thần khí tiên tri, bà Elisabeth hiểu được ý nghĩa của việc vừa xảy ra trong lòng dạ bà, bà không chỉ ca ngợi Đức Mari có phúc, Thân Mẫu Chúa tôi (43) mà còn ca ngợi người em mình đang cưu mang Đấng Cứu Thế, Đấng Tối Cao.
Như vậy, việc thụ thai đồng trinh, tự nó đề cao Người Con trong bụng dạ hơn là người mẹ đang cưu mang. Ở đây, Đức Maria được ban hai phúc: phúc được làm mẹ và phúc vì có lòng tin vào Thiên Chúa không thể tách rời.
Ngoài ra, có thể kể thêm Đức Mari có phúc vì đã đem tin mừng, niềm vui: Đấng Tối Cao đến với gia đình người chị họ, bà Elisabeth.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin biến đổi những cuộc gặp gỡ của chúng con hằng ngày thành lời nói, cử chỉ yêu thương có Chúa hiện diện và ở cùng, Amen.

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2020

ĐÓN NHẬN MẦU NHIỆM VỚI ĐỨC TIN TUYỆT VỜI


CHÚA NHẬT THỨ IV – MÙA VỌNG - NĂM B

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH LUCA 1, 26-38
LỜI CHÚA : Lc 1, 38
“Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.”
SUY NIỆM :
Phụng vụ cho ta chiêm ngắm cuộc truyền tin thứ ba, hai lần đầu cho ông và lần này cho cô trinh nữ đã đính hôn là Maria, xảy ra trong một gia đình ở làng quê nhỏ bé Nazareth.
Nội dung của sứ điệp: cô Maria được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, được thụ thai bởi phép Chúa thánh thần nên vẫn còn đồng trinh, con trai sẽ được đặt tên là Giêsu, nghĩa là Đấng Cứu Thế, tức là con Thiên Chúa, quyền thống trị của nhà Davit sẽ được phục hưng, người Con này sẽ cai trị nhà Giacóp đến muôn đời (c.30-33).
Sứ điệp bị cắt ngang trước sự ngỡ ngàng vô cùng của cô Maria vì tình trạng hiện tại của mình là không biết đến người nam, và việc thụ thai quá lạ lùng, quá mới mẻ từ căn tính trong thánh kinh, trong đó, không hề thấy nói đến chuyện thụ thai mà không có sự kết hợp phái tính (c.34).
Sứ thần giải thích, trước tiên, cho việc thụ thai đồng trinh là do bởi Chúa Thánh Thần; sau đó nêu ra một dấu chỉ về quyền năng Thiên Chúa: bà Êlisabeth già nua mang thai được sáu tháng, vì không có gì Thiên Chúa không làm được (c.35-37).
Đức Mẹ đáp lời xin vâng rất thanh thản với cả đức tin và tấm lòng khiêm nhường, nhận mình là nữ tỳ và xin hết lòng cộng tác với ơn Chúa trong chương trình cứu độ.
Lời chào Đức Maria Đấng Đầy ơn sủng là do sứ thần gọi. Tên sứ thần Gabriel đã cho biết ngay từ đầu, Đức Maria không biết gì về gốc tích của sứ giả. Điều này lại càng nhấn mạnh đến đức tin của Đức Maria vào sứ giả. Và bà Êlisabeth mang thai được sáu tháng là mặc khải từ trời cho Đức Maria, vì Êlisabeth vẫn còn ẩn mình (lc 1,24).
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho chúng con sống khiêm nhường để đón nhận ý Chúa mời gọi trong mỗi người chúng con như Mẹ Maria, Amen.

VỮNG TIN VÀO LỜI CHÚA


THỨ BẢY TUẦN III – MÙA VỌNG

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH LUCA 1, 5-25
LỜI CHÚA : Lc 1, 13
“Nhưng sứ thần bảo ông : “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin : bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an.”
SUY NIỆM :
Để chuẩn bị cho ngày đón Chúa giáng sinh, phụng vụ cho các tín hữu chiêm ngắm cuộc truyền tin thứ hai, là cho Giacaria loan báo về Gioan, xảy ra trong thánh điện giữa nghi lễ phụng tự huy hoàng (c.9).
Sứ điệp sứ thần báo tin cho Giacaria rằng Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: ban cho ông một con trai, ông phải đặt tên cho con là Gio-an. Sau đó nói thêm sứ vụ của Gioan sau này rằng Gioan sẽ được thánh hiến cho Chúa và tiếp tục công việc của Êlia, dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến (c.13-17).
Giacaria và vợ là Êlisabeth, cả thuộc dòng dõi tư tế, được cho là công chính (c.6). Tuy nhiên khi sứ thần báo tin, ông tỏ ra thắc mắc: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? (c.18). Tương tự như câu hỏi này trong Cựu Ước cũng nói lên nhiều, chẳng hạn như với Abraham thì được tôn vinh là cha của kẻ có lòng tin, nhưng vì sao với Giacaria thì bị chê trách thiếu lòng tin. Lý do ở đây, rõ ràng Giacaria là người am hiểu kinh thánh.
Lúc đó sứ thần tự giới thiệu tên là Gabriel. Danh xưng này mặc khải cho Giacaria vai trò rõ rệt của sứ giả thiên quốc, và ông phải nhận một hình phạt bị câm cho đến khi con trẻ được sinh ra và đặt tên Gioan, thì ông mới trở lại bình thường (Lc 1,64).
Việc thực hiện ơn độ cho nhân loại hoàn toàn còn ở trong bí mật. Đối với cộng đồng dân chúng đang đứng bên ngoài, ước mong chờ đợi vị tư tế trở ra và ban phúc lành thần linh cho họ (Gr 50,20). Vậy mà vị tư tế chỉ ra hiệu chứ không thể đọc lời ban phúc. Cộng đồng không hề biết chuyện gì xảy ra bên trong đền thờ. Tuy nhiên họ cũng biết xảy ra một mặc khải qua dấu hiệu câm nín và bàn tay của vị tư tế.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra quyền năng của Ngài, để tín thác trọn vẹn vào Chúa, Amen.

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2020

ĐÓN NHẬN MẦU NHIỆM THÁNH Ý CHÚA


CHÚA NHẬT TUẦN THỨ IV – MÙA VỌNG

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 1, 18-24
LỜI CHÚA : Mt 1, 20
“Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.”
SUY NIỆM :
Tin mừng hôm nay nói về gốc tích Chúa Giêsu, cũng cho thấy ơn gọi đặc biệt của thánh Giuse, vào giây phút quyết định Thiên Chúa đã cho thánh nhân tham dự vào chương trình cứu độ của Ngài.
Giuse đã đính hôn với Đức Maria, nhưng khi chưa cưới về nhà thì Đức Maria đã mang thai do bởi Chúa Thánh Thần. Điều này cho thấy Chúa Giêsu có nguồn gốc bởi thần linh. Thiên Chúa đã can thiệp và sáng tạo mới thay thế yếu tố sinh học.
Trong tình huống đó, luật cho phép bỏ vợ cách công khai, nhưng ở đây Giuse muốn âm thầm lặng lẽ. Ta không hiểu tâm lý Giuse lúc đó vì văn bản không đề cập. Tuy nhiên dựa theo quan điểm của tác giả tin mừng, Giuse công chính, vì ngài khước từ việc đứng nhận làm cha cho đứa bé không phải là con mình, và vì ngài đã vâng lời Thiên Chúa khi yêu cầu ngài nhận làm cha đứa bé ấy.
Sứ điệp của sứ thần là một mặc khải đối với ta, nhưng đó là sứ vụ của Giuse. Giuse được gọi thêm là con cháu Đavit, và được giao phó trách nhiệm đặt tên cho Hài nhi. Như thế, tính cách con cháu đích thực dòng dõi Đavit của Hài nhi đã được công nhận. Và tên đặt Giêsu có nghĩa là Cứu Chúa, Đấng cứu dân Người khỏi tội (c.21).
Khi tỉnh giấc (c.24) với sự mau mắn của “kẻ công chính”, Giuse đã làm đúng như lời sứ thần truyền, súy nữa là ông đã làm hỏng kế hoạch của Thiên Chúa.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khước từ ý riêng, để đón nhận ý Chúa, Amen.

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2020

NGUỒN GỐC CHÚA GIÊSU KITÔ


THỨ NĂM TUẦN III - MÙA VỌNG

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 1, 1-17
LỜI CHÚA : 1,1
“Sách gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Ðavít, con của Abraham”.
SUY NIỆM :
Trong Kinh thánh chỉ có hai thánh sử Matthêu (1,1-17) và Luca (3, 23-38) ghi lại gia phả của Đức Giêsu, nhưng Matthêu trình bày gia phả khá mạch lạc và rõ ràng. Theo Matthêu, có hai mốc thời gian vô cùng quan trong trong bảng gia phả. Mốc thứ nhất từ Tổ phụ Abraham đến Vua Đa-vít và mốc thứ hai từ Vua Đa-vít đến Chúa Giê-su.
Thiên Chúa đã chọn tổ phụ Abraham là mẫu gương cho những ai tin Ngài và Abraham được gọi là cha của kẻ có lòng tin. Ðức tin là điều kiện tiên quyết ắt phải có trong đời sống đạo và gia nhập vào Giáo Hội.
Gia phả này cho thấy Ðức Giêsu là con người thật. Ngài thuộc dòng dõi hoàng gia. Ngài cũng có dòng dõi tổ tiên như chúng ta. Tuy nhiên bản gia phả không nói: Ông Giuse sinh ra Ðức Giêsu, nhưng lại nói: "Ông Giuse, chồng bà Maria, bà là mẹ Ðức Giêsu, cũng gọi là Ðức Kitô." Ðiều đó cho thấy Ngài còn có nguồn gốc là thần linh. Ngài được đầu thai không theo kiểu loài người nhưng do quyền phép của Thiên Chúa.
Giáng Sinh không chỉ là một mầu nhiệm đối với chúng ta mà ngay cả đối với Đức Maria là mẹ cưu mang sinh ra Ngài, và cả thánh Giuse là cha nuôi của Ngài.
Trong thời đại ngày nay, có những người không tin nhận Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa không lấy làm lạ, nhưng có những người có học vị, được coi là giới trí thức mà không công nhận Đức Giêsu con người lịch sử là chuyện nực cười.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho nhân loại tin nhận Chúa là Thiên Chúa tôn thờ chứ không tôn thờ ma quỷ và loài thụ tạo, Amen.

Thứ Hai, 14 tháng 12, 2020

THI HÀNH Ý CHÚA CHA


THỨ BA TUẦN III – MÙA VỌNG
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 21, 28-32
LỜI CHÚA : Mt 21, 29
Nó đáp: “Con không muốn đâu!’ Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi.”
SUY NIỆM :
Dụ ngôn “hai người con” làm sáng tỏ xã hội tôn giáo thời Đức Giêsu: Một, những người tự cho mình công chính đại diện: các thượng tế và kỳ mục; Hai, người tội lỗi, không tuân giữ lề luật: người thu thuế và gái điếm. Chúa Giêsu đánh động ý thức phản tỉnh của các tư tế và trưởng lão về hành vi tôn thờ Thiên Chúa của họ.
Vẫn cùng một lời lẽ ôn tồn, người cha nói với hai con trai mình: “hãy đi làm vườn nho” (28). Đứa con lúc đầu trả lời “không” nhưng sau đó hối hận và đã đi làm thì tốt hơn đứa con dạ dạ vâng vâng mà rồi chẳng làm gì cả.
Chúa chất vấn họ là ai, ai làm theo ý Cha mình (31). Thực sự con người bị phán xét theo hành động chứ không phải theo “dự định” thường hay thay đổi của mình.
Các thượng tế và kỳ mục đồng thanh trả lời (31). Trớ trêu thay ! lời họ trở ngược chống lại họ. Dựa vào tiêu chuẩn này, Chúa Giêsu bảo họ: "những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (31), một giới mà bị đánh giá là thua kém họ về địa vị tôn giáo và luân lý.
Lý do Chúa Giêsu đưa ra (32): Gioan Tẩy Giả sống trong con đường công chính và giảng dạy người ta những gì phải làm để được trở nên công chính, phù hợp với điều Thiên Chúa chờ mong nơi loài người, người tội lỗi đã làm còn họ thì không, đó là ăn năn hoán cải. Bởi đức tin căn cứ trên việc làm chứ không phải tư tưởng hay lời nói.
Như thế, ngay từ hôm nay, nhờ lòng sám hối và canh tân, đám người tội lỗi ấy đã thay chỗ của họ để nhập thành một dân tộc mới mà Thiên Chúa sẽ cho triển nở thành vương quốc vĩnh cửu.
CẦU NGUYỆN ;

Lạy Chúa, xin ban ơn giúp sức chúng con mau mắn thi hành giới răn Chúa dạy, Amen. 

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2020

DO TRỜI HAY DO NGƯỜI TA


THỨ HAI TUẦN THỨ III – MÙA VỌNG

THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ, LINH MỤC, TIẾN SĨ
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 21, 23-27
LỜI CHÚA : Mt 21, 25
“Vậy, phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có ? Do Trời hay do người ta ?”
SUY NIỆM :
Cuộc chạm trán với các Thượng tế và Kỳ mục đã xảy ra, khởi đầu từ sự tranh cãi về uy quyền của Chúa Giêsu bằng câu hỏi kép: thứ quyền hành nào thôi thúc Ngài giảng dạy và chữa bệnh ngay cả nơi đền thánh, và ai cho phép Ngài hành động như vậy (c.23).
Tuy nhiên qua cách vặn lại “bởi trời” hay “bởi người ta” (c.25), vấn đề giản hóa một cách tài tình đáng sợ: Chúa Giêsu được Thiên Chúa ủy thác hay chỉ là một người mang đầy tham vọng trần thế điên rồ nhất. Thay vì trả lời, Chúa Giêsu chuyển đi câu hỏi của các ông sang trường hợp của Gioan Tẩy Giả, và nhường cho họ câu kết luận.
Đây không phải cách né tránh trả lời, nhưng Ngài chỉ nhằm đặt vấn đề vào đúng vị trí bao gồm hai khía cạnh: Sứ mệnh Gioan chuẩn bị cho sứ mạng Chúa Giêsu, và sứ mạng Gioan có thông dự vào việc loan báo Nước Trời. Như thế, nói về Gioan tức là thực sự nói về Chúa Giêsu.
Mặt khác, để hiểu về một số sự tình thì phải có kinh nghiệm về nó. Khi Gioan và Chúa Giêsu tự cho rằng các Ngài mang đến ơn cứu độ của Thiên Chúa qua con đường hoán cải thì chỉ có những kẻ hoán cải mới có thể xác minh lời tự thị của các Ngài.
“Chúng tôi không biết” câu trả lời của họ thoạt nghe có vẻ họ dối lòng, nhưng quả thực chứa đựng một phần sự thật. Sự thực là vì họ không mở lòng đón nhận các đề nghị của Gioan và Chúa Giêsu. Làm sao Chúa có thể giải thích nền tảng uy quyền của Ngài cho kẻ chẳng hề có kinh nghiệm!
Về điều này, giữa sự hiểu biết thuần trí các lời dạy của Chúa và việc nhìn nhận Ngài là Đấng có đầy đủ uy quyền trên những kẻ đi tìm kiếm nguồn sống và Thiên Chúa vẫn còn một khoảng cách xa vời.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin uốn nắn lòng trí chúng con tin yêu và trông cậy Chúa, Amen.

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2020

LỜI CHỨNG CỦA GIOAN TIỀN HÔ


CHÚA NHẬT THỨ III – MÙA VỌNG – NĂM B

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH GIOAN 1,6-8; 19-28
LỜI CHÚA : Ga 1, 23
“Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.”
SUY NIỆM :
Mở đầu sách Tin mừng 1, 1-5 thánh Gioan dành riêng cho Chúa Giêsu như phần thánh thiêng, đến câu 6-8 tác giả giới thiệu Gioan Tẩy Giả bằng lời: “có một người”… rồi từ câu 19-28 tiếp tục nói về chân tính và sứ vụ của vị tiền hô này.
Người Do thái từ Giêrusalem, ý muốn nói quyền bính Do thái, chính thức cử phái đoán ba thành phần: tư tế, thầy Lêvi (19) và Pharisêu (24), yêu cầu ông xác định mình so với niềm mong đợi Đấng Cứu Độ.
Họ đặt ra nhiều câu hỏi liên tiếp cho Gioan tự xưng mình là ai. Trả lời cho các tư tế và thầy Lêvi, Gioan tuyên bố: "Tôi không phải là Đấng Ki-tô" (20); “Không phải là Êlia” (21); “Không phải là ngôn sứ” (21). Gioan Tẩy Giả trả lời: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói (23).
Với câu hỏi của mấy người Pharisêu: không phải Đấng Kitô, không phải Êlia, không phải ngôn sứ, vậy tại sao ông làm phép rửa? (24). Gioan xác nhận phép rửa của mình mang tính khai tâm chuẩn bị cho phép rửa trong Thánh Thần của Đấng đang ở giữa các ông mà các ông không biết (26).
Đối với Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu phải được đón nhận như một ân huệ mầu nhiệm Thiên Chúa. Chính ông không đáng cởi quai dép cho Ngài, một công việc dành riêng cho nô lệ. Điều đó nói lên sự cách biệt giữa Chúa Giêsu và ông, giữa thánh thiêng và nhân phàm.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho tâm hồn chúng con hoan hân đón mừng ngày Chúa đến, Amen.

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2020

PHẦN PHÚC CỦA KẺ DỌN ĐƯỜNG


THỨ NĂM TUẦN THỨ II – MÙA VỌNG

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MATTHÊU 11, 11-15
LỜI CHÚA : Mt 11, 12
“Từ thời ông Gio-an Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được.”
SUY NIỆM :
Gioan Tẩy Giả là một vị tiên tri được ngôn sứ Malaki nhắc đến dọn đường cho Đấng Cứu Thế (Ml 3,1), và còn xác định vai trò sứ giả của ông chính là Êlia tái hiện (Ml 2,23-24).
Chúa Giêsu đã khen ngợi, con người cũng như sứ mạng của Gioan Tẩy Giả, ông được cho là tiên tri cuối cùng thời Cựu Ước, và đóng vai trò mở ra thời kỳ mới, thời kỳ của Nước Trời mà ông cũng là sứ giả đầu tiên của nước ấy (Mt 3,2), trong lịch sử nhân loại không có nhân vật nào vĩ đại hơn ông.
Tuy nhiên Chúa Giêsu cũng xác định người Kitô hữu bé mọn nhất cũng có phẩm tính vượt hẳn ông bởi lẽ họ là công dân của Nước Trời, một Nước đã đảo ngược toàn bộ các tiêu chuẩn đánh giá của nhân loại, và ưu tiên cho kẻ nghèo hèn (Mt 18,3).
Song để vào Nước Trời thi không dễ dàng. “Từ thời của ông Gioan” cho đến thời Chúa Giêsu, Nước Trời sẽ gánh chịu bạo lực: Gioan bị bỏ tù; Chúa Giêsu bị hành hình trên thập giá. Người Kitô hữu phải chiến đấu với tội lỗi, và không đầu hàng bạo lực ấy (12).
Một sự thay đối mới thực sự xảy ra trong hoàn vũ : các lời tiên tri nói về sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả, coi ông là Êlia tái sinh (13). Sự thật là thế còn tùy thuộc vào anh em muốn nghe và muốn chấp nhận (14-15).
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, nhận biết Chúa là phúc của cuộc đời, xin ban Thánh Thần giúp chúng con đủ can đảm chấp nhận mọi sự thiệt thòi ở vì đạo Chúa, Amen.

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2020

NGÀY 8 THÁNG 12 – ĐẤNG ĐẦY ÂN SỦNG


LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH LUCA 1, 22-38
LỜI CHÚA : Lc 1, 28
“Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà."
SUY NIỆM :
Theo lời của sứ thần Gabriel lúc truyền tin, có ba điều nói lên đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria.
Một, Kính Mừng Maria đầy ơn phước! (c.28). Nếu Đức Mẹ mắc tội tổ tông truyền, thì Đức Mẹ không thể nào đầy ơn phước được.
Hai, Đức Chúa ở cùng bà! (c.28). Thiên Chúa là Đấng thánh thiện vô cùng hằng ở với Đức Mẹ, làm sao Đức Mẹ mắc tội tổ tông truyền.
Ba, Bà đẹp lòng Thiên Chúa (c.30). Đức Mẹ luôn ở tình trạng thánh thiện.
Tội nguyên tổ do hai ông bà Adam và Eva đã truyền lại cho con cháu muôn đời. Đức Maria vì là Mẹ của Con Thiên Chúa, Mẹ Đấng Cứu Thế , Thiên Chúa ban ân thánh sủng ngay từ giây phút đầu tiên khi còn ở cung lòng thánh Anna, bằng vào công nghiệp của Chúa Giêsu con của Mẹ.
Nghĩa là Thiên Chúa đã áp dụng hiệu quả của ơn cứu chuộc cho Mẹ trước tiên, do công nghiệp của Chúa Giêsu con Mẹ thực hiện. Nói cách khác, Đức Mẹ được lãnh ơn cứu chuộc trước, một cách đặt biệt.
Ngày 08/12/1854, Giáo hội hân hoan đón nhận lời long trọng tuyên tín của Đức Pio 9: Rất thánh trinh nữ Maria là Đấng “Vô Nhiễm Nguyên Tội”.
Phụng vụ cho mừng kính lễ Mẹ vô nhiễm trong mùa vọng nhằm giúp các tín hữu học cách và nuôi dưỡng tâm tình đón chờ Đấng cứu thế như mẹ ngày xưa, đồng thời khích lệ các tín hữu sống giống Mẹ hướng đến đức trong sạch mặc dù thấp kém hơn. Nhờ đó sẽ được Thiên Chúa ban ơn cứu độ.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, xin cho chúng con yêu chuộng và giữ gìn tâm hồn trong sạch, để sống cuộc đời thánh thiện, nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Maria, Amen.

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2020

QUYỀN NĂNG THIÊN CHÚA Ở VỚI NGƯỜI


THỨ HAI TUẦN THỨ II – MÙA VỌNG

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH LUCA 5, 17-26
LỜI CHÚA : Lc 5, 20
“Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: "Này anh, anh đã được tha tội rồi."
SUY NIỆM :
Trình thuật không nói rõ thời gian và địa điểm, nhưng giáo huấn và việc chữa bệnh mà quyền năng của Chúa khiến Ngài thi hành đều được nhấn mạnh.
Ngoài ra còn xuất hiện đám đông thính giả và giới thẩm quyền về giáo lý từ các làng mạc miền Galilê, Giuđê, và từ Giêrusalem. Nổi bậc nhất là đức tin cộng đồng của nhóm đi với người bại liệt và tính cả chủ nhà (c.18-19).
Giữa phép lạ chữa lành và cuộc tranh luận về quyền năng của Chúa Giêsu (c.18-25) có một mối liên hệ mật thiết, bởi vì việc chữa bệnh sẽ là dấu chỉ của quyền năng Chúa Giêsu trên tội lỗi. Ngài tuyên bố tha thứ, bởi vì, do lòng tin tưởng của bệnh nhân và của những người bạn đồng hành đã sẵn sàng đón nhận ơn tha thứ ấy.
Thấy thế mấy người Pharisêu và luật sĩ vừa thắc mắc là ai vừa nhận xét là phạm thượng. Và ai có quyền tha tội ngoại trừ Thiên Chúa (c.21). Đúng thế. Chúa Giêsu không qua cung cách thống hối của Đền thờ và nhờ hy lễ đền tội (Lc 4,1-5,13), cũng không theo nghi thức dùng nước như Gioan Tẩy Giả đã làm.
Kết cục hoàn hảo. Anh bại liệt đứng dậy vác chõng ra về, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa, đám đông cũng hòa theo. Họ còn chứng thực: "Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ! "
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, dù yếu đuối tội lội, xin cho chúng con luôn luôn tin tưởng lòng thương xót Chúa sẽ thứ tha mà ăn năn sám hối quay về với Chúa, cách riêng trong mùa vọng này, Amen.